Chờ...

Đề xuất cấm nhà giáo nhận tiền từ học sinh để giữ chuẩn mực nghề giáo

VOH - Sáng 9/11, trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề xuất cần bổ sung quy định cấm nhà giáo nhận tiền từ người học dưới mọi hình thức.

Theo ông, việc chỉ cấm nhà giáo ép buộc học sinh đóng tiền chưa đủ, bởi có trường hợp không ép nhưng vẫn nhận qua các hình thức “khéo léo, tế nhị”.

Ông Cường cho rằng, đã là giáo viên thì không nên nhận tiền từ học sinh khi còn trong quá trình dạy dỗ, bởi điều này ảnh hưởng đến chuẩn mực nghề giáo. "Nếu học trò đưa tiền, nhà giáo không nên nhận khi còn đang giảng dạy," ông nhấn mạnh, đồng thời đề xuất quy định cấm nhận tiền từ học sinh "dưới mọi hình thức" trong luật.

Ngoài ra, ông Cường cũng đưa ra ý kiến về việc điều chỉnh chế độ nghỉ hè của nhà giáo, khẳng định kỳ nghỉ hè không chỉ là “nghỉ chơi” mà cần dành cho các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tham gia cộng đồng. Ông cũng nhấn mạnh vai trò nghiên cứu khoa học tại các trường đại học và đề xuất hỗ trợ miễn thuế cho các nghiên cứu của giảng viên, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà giáo phát triển, sáng tạo.

Về việc cấm nhà giáo ép học sinh học thêm, ông Cường cho rằng quy định hiện tại chưa phù hợp và nên sửa thành “cấm ép buộc học sinh học thêm để vụ lợi”. Ông cũng đề xuất bổ sung một số hạn chế khác với nhà giáo trong các hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như việc giáo viên mở quán game hay bán bảo hiểm cho phụ huynh học sinh.

Những hoạt động này, dù không xấu, có thể ảnh hưởng đến hình ảnh chuẩn mực của nghề giáo, ông nêu quan điểm.

Đại biểu Thái Văn Thành (Nghệ An) kiến nghị bổ sung chính sách thu hút nhân tài vào ngành giáo dục bằng cách tuyển thẳng học sinh có thành tích xuất sắc vào ngành sư phạm và giữ lại sinh viên tốt nghiệp loại giỏi làm giảng viên. Theo ông, chính sách này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục quốc gia.

Về chế độ đãi ngộ, ông Thành đề xuất xác định rõ nguồn lực tài chính từ trung ương và địa phương để bảo đảm khả năng thực hiện, đảm bảo quyền lợi cho nhà giáo.

Trong khi đó, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) nêu bất cập về tuyển dụng giáo viên, khi ngành nội vụ có quyền tuyển dụng nhưng ngành giáo dục mới là nơi sử dụng. Bà đề nghị giao quyền chủ động tuyển dụng cho ngành giáo dục địa phương để giảm tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng đào tạo.