Chờ...

Sao la, loài thú bí ẩn nhất thế giới

VOH - Loài thú bí ẩn này chỉ sinh sống ở những cánh rừng già Trường Sơn, dọc theo biên giới Việt – Lào với số lượng vô cùng ít ỏi.

Sao la được phát hiện lần đầu tiên tại vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) từ năm 1992, được thế giới công nhận là loài thú lớn hiếm hoi được phát hiện mới trong thế kỷ 20.

Lần gần nhất Sao la được ghi nhận trong tự nhiên là năm 2013 thông qua hoạt động bẫy ảnh của WWF Việt Nam. Hơn 11 năm qua, chưa có thêm bức ảnh nào ghi nhận loài này trong tự nhiên bất chấp nỗ lực tìm kiếm không ngừng nghỉ của các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã.

sao-la-WWF
Bức ảnh Sao La chụp bằng bẫy ảnh năm 2013 của WWF Việt Nam - Nguồn: WWF Việt Nam

Với hy vọng có thể tìm kiếm và phục hồi quần thể thú bí ẩn này, một chương trình tìm kiếm Sao la trong môi trường tự nhiên mang tên "Giải cứu Sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng" do EU tài trợ thông qua tổ chức Re:wild được triển khai từ tháng 10/2022 đến nay. 

Chương trình đã tiến hành 2.543 lượt bẫy ảnh tại 16 khu vực có mức độ ưu tiên cao nhất ở vùng Trung Trường Sơn, trong đó tập trung vào các địa điểm có thể có Sao la như các đường mòn động vật hay di chuyển và các nguồn nước.

Hai năm qua, khoảng 852.529 bức ảnh đã được chụp và thu thập được 1.178 mẫu dấu vết sinh học (eDNA). Những mẫu này được chuyển đến các chuyên gia ở Đức và đang được phân tích chuyên sâu.

Theo đại diện của WWF Việt Nam, vượt xa so với mong đợi ban đầu, chương trình nhận được sự ủng hộ và tham gia của đông đảo người dân địa phương có kiến thức về sinh thái bản địa. Đây là nền tảng cho việc triển khai các đợt điều tra thực địa chuyên sâu tiếp theo.

thu-thap-mau-nuoc-tai-le-thuy-quang-binh-8013
Các nhà bảo tồn thu thập mẫu nước để tìm kiếm dấu vết loài Sao La tại tỉnh Quảng Bình - Nguồn: WWF Việt Nam.

Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc WWF Việt Nam cho biết, tổ chức này vẫn có niềm tin trong vùng núi rừng của khu vực Trung Trường Sơn, vẫn còn một số cá thể Sao la tồn tại ở một số nơi chưa thể khảo sát.

“Với những nỗ lực chung của Chính phủ Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức bảo tồn và cộng đồng những người yêu thiên nhiên, WWF Việt Nam tin rằng vẫn còn cơ hội đảo ngược quá trình suy giảm đa dạng sinh học đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam và trên phạm vi toàn cầu.

Dẫu vậy, để đạt được mục tiêu khôi phục hệ sinh thái, bảo tồn các loài hoang dã, chúng ta cần gấp rút hành động và hành động hiệu quả”, ông Thịnh nói.