Chờ...

124 cổ mỹ từ hay, có ý nghĩa đẹp đến nao lòng

VOH - Tổng hợp những cổ mỹ từ hay, ý nghĩa đẹp mà ngày nay rất ít người dùng đến.

Nhắc đến “cổ mỹ từ” là những từ ngữ mà chỉ cần đọc lên liền cảm nhận được ngay sự thanh tao, nhẹ nhàng khiến người đọc như lạc vào một thế giới cổ xưa. Theo dòng chảy thời gian, rất nhiều cổ mỹ từ đang dần biến mất, dưới đây là một số cổ mỹ từ hay, có ý nghĩa đẹp đã được VOH tổng hợp lại.

Một số cổ mỹ từ Hán Việt

Cổ mỹ từ được sử dụng rất nhiều trong các thi văn xưa. Dưới đây là một số cổ mỹ Hán Việt đẹp đến nao lòng, có thể dùng được trong văn học.

1. Bích giản (碧澗)

“Bích” có nghĩa màu xanh biếc; “giản” là khe suối. “Bích giản” mang ý nghĩa khe suối xanh biếc. Trong Thu trung ngẫu vịnh của Phan Huy Chú có viết: “Thương nhai bích giản thiên trùng lộ/ Lưu thủy đào hoa nhị nguyệt thiên”.

2. Chi lan (芝蘭)

Cổ mỹ từ “chi lan” có nghĩa gốc là cỏ chi và cỏ lan, hai loài cây cỏ có hương thơm, quý, thường dùng để ví người quân tử, người thanh nhã, cao quý. “Chi lan” cũng thường dùng để chỉ bạn bè, anh em tốt. Trong Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Đặng Huy Trứ có câu: “Chi lan sum hiệp một nhà/ Anh xưng Thiên Sách, em là Tấn Vương”.

3. Lương thần (良辰)

“Lương” mang ý nghĩa tốt, tốt lành, tốt đẹp; “thần” chỉ ngày hoặc buổi sớm. “Lương thần” thường dùng với ý nghĩa chỉ buổi sáng đẹp trời, ngày đẹp trời, ngày tốt lành. Nguyễn Đình Chiểu từng viết trong Dương Từ Hà Mậu như sau: “Hôm nay là bữa lương thần/ Sửa sang vị thuốc lo phần luyện đan”.

4. Hoa ngạc (花萼)

“Hoa” ý chỉ cánh hoa; “ngạc” chính là đài hoa (bộ phận có màu xanh lục nằm ngay dưới cánh hoa). “Hoa ngạc” thường dùng để nói về tình anh em thân thiết như cánh hoa với đài hoa.

5. Quyên cát (涓吉)

“Quyên” có nghĩa chọn lựa, kén chọn, chọn; “cát” là tốt lành. Mỹ từ “quyên cát” có ý nghĩa là chọn ngày tốt lành. Truyện thơ Nôm Hạnh Thục ca trong phần Lập vua Kiến Phúc đã viết: “Túc thanh cung điện hộ trì/ Mệnh quan quyên cát cập kỳ đăng quang.

6. Dật lạc (逸樂)

“Dật” chính là nhàn hạ, yên vui thông thả hoặc có thể hiểu là ở ẩn, “lạc” chỉ vui thích, vui mừng, vui. “Dật lạc” có nghĩa vui vẻ, thong thả, nhàn hạ. Trong Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh có đoạn: “Thế sự đời phú quý vinh hoa/ Muốn vui thú thanh nhàn dật lạc”.

voh-co-my-tu-hay-1

7. Duật vân (矞雲)

“Duật” mang ý nghĩa rực rỡ, tốt đẹp; “vân” chính là mây. “Duật vân” có nghĩa là đám mây rực rỡ (tượng trưng cho điềm lành). Phan Huy Tích từng viết trong Tây trình lữ muộn: “Duật vân phiếu diểu miện đô thành/ Hoang dã canh hồi mịch khách trình”.

8. Dư huy (餘輝)

“Dư” có nghĩa là còn lại, sót lại, còn rớt lại, sắp hết; “huy” là ánh sáng, tia sáng rực rỡ. “Dư huy” mang ý ánh sáng rực rỡ còn sót lại. Tác giả Thái Thuận từng viết: “Ngũ canh tinh đẩu đạm dư huy/ Mạc mạc khinh lưu phát thự phi”.

9. Đảo huyền (倒懸)

“Đảo” mang ý nghĩa là lật ngược; “huyền” là trèo lên. Cổ mỹ từ “đảo huyền” có nghĩa đen là treo ngược lên, còn nghĩa bóng là chỉ việc lâm vào cảnh cực kỳ khốn khó. Trong bài Nhất độ can qua trực đảo huyền có câu: “Nhất độ can qua trực đảo huyền”.

10. Hồng quân (洪鈞)

“Hồng” mang ý nghĩa là lớn, to lớn, lớn lao; “quân” là cái bàn xoay để làm đồ gốm. Nghĩa đen của “hồng quân” là bàn xoay lớn, còn với nghĩa bóng của mỹ từ “hồng quân” là dùng để chỉ tạo hóa, cuộc vận hành của vụ trụ. Truyện Kiều Nguyễn Du từng viết: “Hồng quân với khách hồng quân/ Đã xoay đến thế, còn vần chửa tha”.

11. Đồ nam (圖南)

Chữ “đồ” có nghĩa tính toán, mưu toan, ý chỉ, tham vọng; còn “nam” tức là phương nam, phía nam, bể Nam. “Đồ nam” theo nghĩa đen là tính toán qua bể Nam/phía nam, phương nam. Còn nghĩa bóng là chí vọng xa lớn, tham vọng cao cả của con người.

12. Độc chước (獨酌)

“Độc” mang ý nghĩa là một mình; “chước” ban đầu nghĩa là rót rượu, sau dùng để chỉ việc uống rượu. Vì thế, cổ mỹ từ “độc chước” thường dùng để chỉ việc uống rượu một mình. Nguyễn Khuyến đã từng dùng “độc chước” trong các câu thơ của mình như sau: “Bắc song độc chước đồi nhiên túy/ Nhất dục xuyên hài thướng thúy vi”.

13. Đông quân (東君)

“Đông quân” mang ý nghĩa là mặt trời, cũng chỉ chúa xuân. Trong cuốn Ngẫu đề công quán bích kỳ 1 của tác giả Nguyễn Du viết: “Đào hoa mặc trượng đông quân ý/ Bàng hữu phong di tính tối toan”.

14. Hà lương (河梁)

“Hà” là sông; “lương” là chiếc cầu. “Hà lương” có nghĩa đen là chiếc cầu bắc qua sông, nghĩa bóng cổ mỹ từ này là nơi chia ly, từ biệt nhau.

15. Thiên chương (天章)

“Thiên” mang ý nghĩa bầu trời, trời; “chương” là những vẻ đẹp trên trời như mây, sao, cầu vồng, mặt trăng, mặt trời… Cổ mỹ từ “thiên chương” dùng để chỉ những điều rực rỡ đẹp đẽ như trăng, sao trên bầu trời. Bản dịch Chinh phụ ngâm khúc có câu: “Sửa xiêm dạo bước tiền đường/ Ngửa trông xem vẻ thiên chương thẫn thờ.”

16. Hà y (霞衣)

“Hà” là ráng, tức ráng chiều; “y” chỉ chiếc áo, phần vải che nửa thân trên. “Hà Y” mang ý nghĩa là chiếc áo màu đỏ rực rỡ như ráng chiều. “Sẵn sàng phượng liễu loan nghi/ Hoa quan phấp phới hà y rỡ ràng” - Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du.

17. Hiểu phong (曉風)

“Hiểu” chỉ buổi sớm, trời vừa sáng; “phong” là gió. “Hiểu phong” mang ý nghĩa là cơn gió buổi sáng sớm. Trong cuốn Đề đạo nhân vân thủy cư kỳ 5 vua Lê Thánh Tông từng viết: “Thanh sơn điệp điệp thủy thung dung/ Nhất phiếm khinh phàm giải hiểu phong”.

18. Hiểu yên (曉煙)

“Hiểu” có nghĩa là sớm, buổi sớm, khi trời bắt đầu sáng; “yên” có nghĩa là khói hoặc những thứ tương tự như khói (mây mù, sương mù). Cho nên “hiểu yên” có thể hiểu là khói sớm, sương khói ban mai. Trong tác phẩm Hành hạ khai chu phá hiểu yên có đoạn: “Hành giang cổ độ thủy quyên quyên/ Thành hạ khai chu phá hiểu yên”.

19. Dục nhật (浴日)

“Dục” có nghĩa là tắm; “nhật” là mặt trời. “Dục nhật” dùng để chỉ lúc mặt trời vừa từ mặt bể mọc lên, mở rộng nghĩa ra chính công đức lớn lao. Truyện Lục súc tranh công có câu: “Long chức quan bổ thiên dục nhật”.

20. Huân phong (薰風)

“Huân” mang ý nghĩa là êm đềm, đầm ấm, vui hòa; “phong” là gió. “Cổ mỹ từ “huân phong” dùng để chỉ ngọn gió mát lành, êm đềm.

voh-co-my-tu-hay-2

21. Phong thụ (風樹)

“Phong” là gió; “thụ” nghĩa là cây. “Phong thụ” có nghĩa đen là cây bị gió lay, còn mở rộng ra, cổ mỹ từ thường chỉ về cha mẹ già yếu mà còn con cái không kịp về phụng dưỡng.

22. Huyền vi (玄微)

“Huyền” nghĩa là màu đen, cũng có nghĩa là sự sâu xa; “vi” chỉ sự nhỏ bé, nhỏ nhặt và sự nhiệm màu, vi diệu. Ý nghĩa “huyền vi” chính là sự sâu kín nhỏ bé, hay sự nhiệm màu của đất trời. Trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều có câu: “Máy huyền vi mở đóng khôn lường”.

23. Điềm thụy (甜睡)

“Điềm” mang ý nghĩa là ngọt, say, ngon; “thụy” chính là ngủ. “Điềm thụy” mang ý nghĩa là ngủ ngon, ngủ yên giấc, ngủ say.

24. Tầm phương (尋芳)

“Tầm” mang ý nghĩa là tìm kiếm, sưu tầm, truy tầm...; “phương” dùng để chỉ hương thơm, hương thơm hoa cỏ. “Tầm phương” có nghĩa là tìm hoa thơm, tìm kiếm hương thơm. “Bất tri thăng nhật tầm phương khách/ Đa thiểu huề trường lai vấn tân”.

25. Quản huyền (管絃)

“Quản” là ống sao; “huyền” mang ý nghĩa là dây đàn. Ý nghĩa của “quản huyền” dùng để nói về âm nhạc. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có viết: “Kiệu hoa đâu đã đến ngoài/ Quản huyền đâu đã giục người sinh ly”.

26. Khung thương (穹蒼)

“Khung” chỉ sự cao lớn, có hình khum khum; “thương” là màu xanh. Cổ mỹ từ “khung thương” thường chỉ để bầu trời cao xanh. Thơ cổ có câu: “Ngửa nhìn không hổ với khung thương”.

27. Lạc hà (落霞)

“Lạc” có nghĩa là rơi, rụng xuống, rơi xuống, xuống thấp; “hà” là ráng, ráng trời. “Lạc hà” thường dùng với ý nghĩa ráng buổi chiều khi mặt trời xuống thấp. Trong bài thơ Mùa thu đi chơi thuyền dưới trăng (khuyết danh) có câu: “Xinh thay tiết thu thiên quang cảnh/ Khi lạc hà giãi bóng tà dương”.

28. Lãm thúy (覽翠)

“Lãm” là xem, ngắm nhìn; “thúy” có nghĩa xanh, xanh biếc. Mỹ từ “lãm thúy” có nghĩa ngắm cây cỏ xanh tươi. Truyện Kiều có câu: “Có cây có đá sẵn sàng/ Có hiên lãm thúy nét vàng chưa phai”.

29. Diệu linh (曜靈)

“Diệu” mang ý nghĩa là ánh nắng, mặt trời, mặt trăng và các vì sao cũng được gọi là “diệu”; “linh” là thần, thần linh, chỉ sự diệu kỳ. “Diệu linh” có nghĩa là mặt trời diệu kỳ. Tác giả Khuất Nguyên từng viết trong Thiên Vấn như sau: “Giác túc vị đán/ Diệu linh an tàng?”.

30. Lăng vân (淩雲)

Ý nghĩa của “lăng” là vượt qua; “vân” là mây. “Lăng vân” có nghĩa vượt qua mây, thường được dùng để chỉ sự cao cả, to tát, lớn lao. Nguyễn Phúc Ưng Bình từng viết trong bài thơ Bộ hiệp tá Chu Khuê Ưng Đồng tiên sinh nhàn cư mạn hứng nguyên vận kỳ 1 như sau: “Lăng vân khả đáo tàm vô dực/ Trắc hải nan can hận hữu lê”.

31. Lương thì (良時)

Ý nghĩa của “lương” là sự tốt đẹp, tốt lành; “thì” là chỉ lúc, buổi, dịp, một khoảng thời gian, hoặc mùa trong năm. Cổ mỹ từ “lương thì” mang ý nghĩa là khoảng thời gian tốt đẹp, đôi khi nó cùng để chỉ tuổi trẻ, thanh xuân. Bản dịch Chinh phụ ngâm khúc viết: “Gió xuân ngày một vắng tin/ Khá thương lỡ hết một phen lương thì”.

32. Nghênh hy (迎曦)

“Nghênh” có nghĩa là đón, đón tiếp; “hy” nghĩa là nắng, nắng ban mai, ánh mình minh. Theo đó, ý nghĩa của mỹ từ “nghênh hy” là đón nắng, đón nắng mai. Tác giả Ngô Thì Nhậm từng viết trong Giang tự tình du như sau: “Cận thủy lâu cao chung ảnh tế/ Nghênh hy đạo khiết lý trần khinh”.

33. Thanh khâm (青襟)

“Thanh” chính là màu xanh; “khâm” là vạt áo, vạt áo trước cổ áo. Cổ mỹ từ “thanh khâm” thường dùng để chỉ người học trò. Như Cao Bá Quát từng viết: “Quyết ném thanh khâm sang cẩm tú”.

34. Thanh tiêu (青霄)

“Thanh” có nghĩa là màu xanh; “tiêu” là khoảng trời trống, có thể dùng để chỉ trời hoặc mây. “Thanh tiêu” ý nghĩa là bầu trời trong xanh, không mây mùa. Cổ mỹ từ này từng xuất hiện trong câu thơ: “Vốn xưa thiếp khách thanh tiêu/ Tiên Thù là hiệu, Giáng Kiều là tên”.

voh-co-my-tu-hay-3

35. Du nhiên (悠然)

“Du” có nghĩa là xa xôi, lâu dài, nhàn nhã, đôi khi được dùng để chỉ lo lắng, muộn phiền; “nhiên” dùng để chỉ trạng thái là như thế, như vậy, và cũng có nghĩa đốt, cháy (nhiên liệu). Tuy nhiên, ý nghĩa cổ mỹ từ “du nhiên” thường được dùng để chỉ dáng vẻ nhàn nhã, thản nhiên, thong dong, tự tại. Trong cuốn Ký trưởng tử Mai Nham đình thí liên trúng tam nguyên của Trần Doãn Đạt có câu: “Xử thế y thùy năng thiệp thế/ Du nhiên hư kỷ nhất hư chu”.

36. Tịch chiếu (夕照)

“Tịch” có nghĩa là buổi chiều hoặc buổi tối, đêm; “chiếu” có nghĩa là ánh nắng. Cổ mỹ từ “tịch chiếu” mang ý nghĩa ánh nắng ban chiều, ánh chiều tà, ánh mặt trời buổi chiều soi xuống. Trong bài Lư khê yên lý xuất ngư đăng của Mạc Thiên Tích có câu: “Viễn viễn yên lý xuất ngư đăng/ Lư khê yên lý xuất ngư đăng”.

37. Sơ tình (初晴)

“Sơ” mang ý nghĩa là ban đầu, lúc đầu, vừa mới; “tình” là trời tạnh ráo, sáng trong, quang đãng. Ý nghĩa mỹ từ “sơ tình” chính là trời vừa rạng hoặc mới nắng mới vừa lên. Ngô Chi Lan viết trong Xuân từ: “Sơ tình huân nhân thiên tự túy/ Diệm dương lâu đài phù noãn khí”.

38. Trung khúc (衷曲)

“Trung” mang ý nghĩa là trong lòng, tận đáy lòng; “khúc” có nghĩa là quanh co, không thẳng, cong. Ý nghĩa cổ mỹ từ “trung khúc” là những điều khó nói ở trong lòng. Truyện Kiều có câu: “Những điều trung khúc ân cần/ Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng.

39. Thiều hoa (韶華)

“Thiều” có nghĩa là tốt đẹp, đẹp; “hoa” cũng chỉ vẻ đẹp, lộng lẫy, rực rỡ. Ý nghĩa “thiều hoa” thường dùng để chỉ quang cảnh tốt đẹp, cảnh sắc mùa xuân. Tác giả Ngô Thì Nhậm từng viết trong bài Xuân mộ như sau: “Dã hữu thiều hoa hồn vị lão/ Nhất ban sinh ý bất ngôn trung”.

40. Tiêu y (宵衣)

“Tiêu” có nghĩa là ban đêm; “y” là cái áo. Cổ mỹ từ “tiêu y” có nghĩa đen là đang còn buổi đêm đã trông đến trời sáng để dậy thay áo làm việc, còn nghĩa bóng thường dùng để chỉ những người siêng năng làm việc. Thành ngữ gốc Hán có câu “Tiêu y cán thực” tức chỉ những người cần cù, siêng năng.

Cổ mỹ từ Việt Nam

Phần lớn cổ mỹ từ đều là từ Hán Việt, thế nhưng vẫn có một số cổ mỹ từ Việt Nam thuần Việt làm say đắm lòng người, bởi nó mang vẻ đẹp đầy sự tinh tế.

1. Dụ tri

“Dụ” được dùng ý nghĩa là nói cho, báo cho biết; “tri” là biết. “Dụ tri” có nghĩa là lời người trên báo cho người dưới biết để làm theo. Tác giả Nguyễn Nhược Thị có viết trong Hạnh thục ca như sau: “Bèn ban ý chỉ dụ tri/ Phụ thần nay phải tuân y lời già”.

2. Phòng vi

“Phòng vi” mang ý nghĩa là ngăn ngừa, đề phòng cái nhỏ để tránh làm nguy hại cái lớn. Trong Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát - Đặng Huy Trứ có câu: “Đạo thường chẳng cẩn phòng vi/ Chị em chung chạ loạn bề đại luân”.

3. Đồng song

“Đồng” có nghĩa là cùng; “song” chỉ cửa sổ. “Đồng song” nghĩa đen là cùng một khung cửa sổ, tuy nhiên mỹ từ này thường dùng để chỉ bạn cùng lớp, cùng thầy, cùng học với nhau bên một khung cửa sổ. Trong bài thơ Thu dạ lữ hoài ngâm của Đinh Nhật Thận có câu: “Khả tư giả đồng song nhị khế/Chi lan hương tế tế do văn”.

4. Trâm anh

“Trâm” là cái trâm để cài, búi tóc. “Anh” là dải mũ, hai thứ dùng trang sức cho dải mũ của người sĩ tử, quan chức. Ngoài ra còn có "nhà trâm anh” tức chỉ những nhà thế tộc phong kiến, có người đỗ đạt, làm quan. Đại thi hào Nguyễn Du từng viết trong Truyện Kiều: “Nguyên người quanh quất đâu xa/ Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh”.

5. Yến anh

“Yến” là chim yến (én); “anh” là chim anh (có khi đọc là oanh). Hai loài chim thường thấy vào mùa xuân, ríu rít từng đàn. Vì thế, “yến anh” được ví như cảnh những đoàn người rộng ràng đi chơi xuân. Truyện Kiều của Nguyễn Du có đoạn: “Gần xa nô nức yến anh/Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân”.

6. Cẩm tú

Mang ý nghĩa là gấm vóc. “Cẩm tú” thường dùng để chỉ người nho sinh đã có danh phận. Trong bài Tài tử đa cùng phú của Cao Bá Quát có đoạn: “Câu văn Hàn Dũ phỏng thiêng chăng, thì xin tống cùng thần ra đến đất Côn Lôn, để ta gánh vác giang sơn, quyết ném thanh khâm sang cẩm tú”.

7. Thái vân

“Thái vân” mang ý nghĩa là mây sáng buổi sớm, thường được dùng để nói về người đẹp. Ví dụ: “Chỉ sầu ca vũ tán/Hóa tác thái vân phi” - Cung trung hành lạc kỳ 1 (Lý Bạch).

voh-co-my-tu-hay-4

Mỹ từ về tình yêu, ái tình

Một số cổ mỹ từ nói về ái tình đầy nét thi vị, thanh nhã, như đôi dòng cảm xúc của người xưa: “Người cầm đàn luyến mộng tam sinh/ Thệ hồn tan vẫn giữ kiếp tình/ Dẫu đời này vô duyên bạc phận/ Vẫn vì người tấu nhạc dâng hoa”…

  1. Tình hữu độc chung: Tình yêu dành tặng cho một người duy nhất
  2. Thiên hoang địa lão: Bên nhau dài đằng đẵng
  3. Mi mục truyến tình: Lời tỏ tình qua ánh mắt
  4. Bích hải thanh thiên: Tình trao sâu thẳm như biển sâu
  5. Thiên tác chi hợp: Duyên trời định, trời đất tác thành
  6. Cầm tâm tương thiêu: Từ trái tim đến trái tim
  7. Ái ốc cập ô: Yêu nhau yêu cả đường đi
  8. Tình nhân nhãn lý xuất tây thi: Người tình trong mắt hóa Tây Thi
  9. Nhất sanh nhất thế: Yêu nhau trọn đời trọn kiếp
  10. Chí tử bất du: Có chết cũng không thay đổi
  11. Uyên thù phụng lữ: Có cặp có đôi
  12. Tình bỉ kim kiên: Tình yêu quý hơn cả vàng
  13. Bách niên hảo hợp: Trăm năm hạnh phúc
  14. Tâm hữu linh tê: Tâm linh tương thông
voh-co-my-tu-hay-5

Cổ mỹ từ về hoa sen

Ở xã hội ngày nay chúng ta quen gọi hoa sen với cái tên “hoa sen”, đôi khi gọi là “liên hoa”. Thế nhưng, trong thế giới cổ mỹ từ hoa sen được đặt thành nhiều cách gọi khác nhau dựa vào từng giai đoạn sinh trưởng.

  1. Hạm đạm: Nụ hoa sen hãy còn e ấp mới nở
  2. Hà hoa: Hoa sen đã bắt đầu nở
  3. Phù cừ: Hoa sen đã bắt đầu nở rộ
  4. Hồng ngẫu: Hoa sen đang dần lụi tàn
  5. Thủy phù dung: Hoa sen vừa được tắm ướt
  6. Thủy chi: Đóa sen lay động giữa dòng nước
  7. Thần Phù: Hoa sen lúc bình minh
  8. Tĩnh khách: Hoa sen được đặt trong nhà
  9. Châu hoa: Cả ao sen
  10. Thanh liên: Hoa sen xanh
  11. Kim hà: Hoa sen vàng
  12. Hồng liên: Hoa sen hồng
  13. Liên hương: Hương hoa sen
  14. Hồng y: Cánh hoa sen
  15. Phật tọa tu: Cách gọi nhụy hoa sen

Mỹ từ tuyệt đẹp về mưa và mây

Hãy thử một lần dùng mỹ từ để nói về mưa và mây để thấy rằng chỉ là “mưa” và “mây” thôi nhưng lại có vô vàn cách gọi.

  1. Khinh ti: Mưa lúc mới chớm xuân như mờ như ảo
  2. Liêm tiêm: Cơn mưa nhỏ vào lúc chiều tàn
  3. Khiêu chân: Cơn mưa bắt đầu nặng hạt
  4. Ngân trúc: Cơn mưa to
  5. Xuân vũ: Có nghĩa cơn mưa vào mùa xuân
  6. Hạ vũ: Cơn mưa mùa hạ
  7. Thu vũ: Mưa vào mùa thu
  8. Đông vũ: Mưa xuất hiện vào mùa đông
  9. Mai vũ nhập: Mùa mưa bắt đầu
  10. Mai vũ minh: Những cơn mưa cuối mùa
  11. Lệ vũ: Cơn mưa nhẹ, mưa lất phất bay
  12. Thông vũ: Mưa rào
  13. Cam lộ: Trời hạn lâu ngày gặp được cơn mưa đúng lúc
  14. Thụy vũ: Cơn mưa xuất hiện ứng với điềm lành
  15. Dạ vũ: Mưa đêm
  16. Bạo vũ: Mưa xối xả, mưa dông
  17. Sậu vũ: Cơn mưa bất thình lình xuất hiện
  18. Tường vân: Mây lành, báo hiệu những điều tốt đẹp
  19. Thanh Vân: Đám mây trắng trời trong xanh
  20. Bạch vân: Mây trắng
  21. Vân hành: Mây trôi lơ lững trên bầu trời
  22. Ngũ vân: Mây năm màu, mây báo điềm lành
  23. Thái vân: Mây xuất hiện vào buổi sáng sớm.
  24. Vân hà: Mây có màu sắc đỏ đẹp mắt
voh-co-my-tu-hay-6

Cổ mỹ từ chỉ về thời gian

Chúng ta chỉ thường nghe nói thế tháng Một, tháng Hai, tháng Ba... nhưng trong thế giới cổ xưa, thời gian được gọi với những cái tên rất tao nhã. Dưới đây là một số cổ mỹ từ chỉ thời gian có thể bạn chưa biết!

  1. Phất/phá hiểu: Bình minh
  2. Tịch lạc: Chạng vạng
  3. Chinh nguyệt: Tháng Giêng
  4. Hạnh nguyệt: Tháng Hai
  5. Đào nguyệt: Tháng Ba
  6. Mai nguyệt: Tháng Tư
  7. Lựu nguyệt: Tháng Năm
  8. Hà nguyệt: Tháng Sáu
  9. Lan nguyệt: Tháng Bảy
  10. Quế nguyệt: Tháng Tám
  11. Cúc nguyệt: Tháng Chín
  12. Lương nguyệt: Tháng Mười
  13. Đông nguyệt: Tháng Mười Một
  14. Lạp nguyệt: Tháng Chạp

Tên gọi cổ mỹ từ cho vạn vật

Người xưa không gọi “mặt trời”, họ gọi “phù quang”; người xưa không gọi “núi cao”, họ chỉ gọi “tuấn lĩnh”… và dưới đây là một số tên gọi mỹ từ mà cổ nhân thường dùng để nói về vạn vật.

  1. Địch phần tử: Trà
  2. Tuấn lĩnh: Núi cao
  3. Thanh dao: Dòng nước
  4. Bạch cảnh: Mặt trời lặn
  5. Bích hoa: Trăng lên
  6. Phù quang: Mặt trời
  7. Bắc thần: Sao trời
  8. Thúy vi: Núi
  9. Thương uyên: Biển
  10. Tiêm ngưng: Mây

Khi tìm hiểu về cổ mỹ từ bạn sẽ thấy được một không gian ngôn từ xinh đẹp, mang sắc thái hoài cổ, thi văn tao nhã. Mong rằng, với một số cổ mỹ từ được gợi mở trên đây sẽ giúp bạn có thêm niềm cảm hứng tìm tòi sâu hơn nữa về thế giới cổ mỹ từ.

Theo dõi VOH - Sống đẹp để biết đâu là những cổ mỹ từ hay làm lay động lòng người nhé!