Chờ...

Ý nghĩa phàm phu tục tử là gì? Từ trái nghĩa với "phàm phu tục tử"

VOH - Phàm phu tục tử là cụm từ có xuất phát từ ngôn ngữ Hán Việt, được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu ý nghĩa cụm từ phàm phu tục tử là gì.

Nhiều người thường dùng cụm từ “phàm phu tục tử” để nói về những người đàn ông thô kệch trong ứng xử, hấp tấp trong lời nói, vụng về trong cử chỉ, bị chi phối bởi những dục vọng, vật chất tầm thường. Vậy ý nghĩa phàm phu tục tử là gì, hãy cùng VOH tìm hiểu trong bài viết sau đây.

Phàm phu tục tử là gì?

Phàm phu tục tử (từ Hán Việt: 凡夫俗子) là một cụm từ mang ý nghĩa phê phán hoặc miêu tả những người có cách sống, cách nghĩ hoặc hành xử bị coi là tầm thường, thiếu sự thanh cao hoặc tư tưởng lớn.

Những người bị xem là phàm phu tục tử thường là người hay bị chi phối bởi những dục vọng, vật chất. Họ hiếm khi có tư tưởng cao cả hoặc ý tưởng vượt trội.

Trong cuốn Đại Từ điển Tiếng Việt, cụm từ phàm phu tục tử mang ý nghĩa là “kẻ tầm thường, thô lỗ, tục tằn, không xứng danh trang nam nhi, quân tử”. Hay cuốn Từ Điển­ của tác giả Nguyễn Lân cũng giải thích ý nghĩa của phàm phu tục tử là chỉ “kẻ tầm thường và có lời nói hoặc cử chỉ thô tục”.

voh-pham-phu-tuc-tu-1
"Phàm phu tục tử" là cụm từ mang hàm nghĩa phê phán, chê bai, coi thường

Còn khi đi vào phân tích nghĩa của từ, ta sẽ càng thấy rõ hơn về ý nghĩa của cụm từ phàm phu tục tử là gì. Theo đó:

  • “Phàm”: Nghĩa là bình thường, tầm thường.
  • “Phu”: Chỉ người đàn ông, nhưng trong ngữ cảnh câu nói “phàm phu tục tử” thì có thể mở rộng là chỉ người bình thường.
  • “Tục”: Dùng để chỉ đời thường, phàm tục, trái ngược với sự thanh cao, thoát tục.
  • “Tử”: Nghĩa là người, nhưng ở đây mang hàm ý có phần coi thường, không xem trọng.

Như vậy, cụm từ “phàm phu” nói về những người bình thường, không có phẩm chất cao quý, không thoát tục. Còn “tục tử” chỉ người sống trong sự phàm tục, không có tư tưởng cao siêu hoặc hành vi đáng kính trọng.

Cả cụm từ “phàm phu tục tử” dùng để chỉ những người có cách sống tầm thường, chỉ quan tâm đến lợi ích vật chất hoặc những thú vui thấp kém. Cụm từ nhấn mạnh vào những hạn chế và khuyết điểm của con người, bị trói buộc bởi tham vọng, dục vọng và sự phù phiếm trong đời sống thế gian. Nó thường mang sắc thái tiêu cực, chê bai hoặc coi thường.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp người ta nói phàm phu tục tử với ý nghĩa đơn thuần là biểu thị những con người bình thường, không có ý chỉ trích hay phê phán. Khi ấy, cụm từ này được dùng như một cách thể hiện thực trạng của một số người trong xã hội vẫn đang cố gắng cân bằng giữa cuộc sống vật chất và tinh thần.

Những từ trái nghĩa với phàm phu tục tử

Nếu phàm phu tục tử là cụm từ dùng để chỉ người tầm thường hoặc loại người phàm tục, ngu dốt và thô lậu. Vậy những cụm từ nào có ý nghĩa trái ngược với “phàm phu tục tử”?

Dưới đây chính là những từ trái nghĩa với phàm phu tục tử:

  • Hiền nhân: Những người có trí tuệ cao, đạo đức tốt, mang đến những giá trị cao đẹp cho đời.
  • Thánh nhân: Những người có phẩm chất đạo đức và trí tuệ vượt trội, được nhiều người kính trọng.
  • Tiên nhân: Người có lối sống thanh tịnh, không bị ảnh hưởng bởi những cám dỗ, dục vọng tầm thường.
  • Giác giả: Người đạt được sự giác ngộ, thoát khỏi các ràng buộc của đời sống trần tục.
  • Người thanh cao: Nhấn mạnh sự thoát ly khỏi các giá trị vật chất, họ có lý tưởng và đạo đức cao đẹp.

Những từ đồng nghĩa với phàm phu tục tử

Và cùng với “phàm phu tục tử”, những cụm từ dưới đây cũng có thể được dùng thay thế vì mang ý nghĩa tương tự hoặc tương đồng.

  • Thế nhân: Người sống trong thế gian, bị chi phối bởi đời sống vật chất tầm thường.
  • Kẻ trần tục: Người sống gắn bó với những giá trị vật chất, không có lý tưởng cao cả.
  • Dân thường: Người bình thường, không có địa vị hoặc giá trị đặc biệt trong xã hội.
  • Phàm nhân: Nhấn mạnh tính chất bình thường, chẳng có gì nổi bật hoặc vượt trội.
  • Phàm tục: Biểu hiện những thứ thuộc về thế gian, thiếu chiều sâu tinh thần.

Ý nghĩa cụm từ phàm phu tục tử trong các hệ tư tưởng

Theo một số ghi chép, nguồn gốc cụm từ phàm phu tục tử khá có liên quan đến triết học và văn hóa Á Đông, đặc biệt là trong trong các hệ tư tưởng Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo.

Trong Phật giáo, phàm phu tục tử là bản chất chung của phần lớn con người, thế nhưng đây cũng là điểm khởi đầu để con người vượt qua và đạt được giác ngộ.

Tư tưởng Đạo giáo quan niệm, cụm từ phàm phu tục tử là sự đối lập giữa trạng thái tầm thường và lý tưởng cao đẹp của người sống hòa hợp với Đạo. Do đó, con người cần từ bỏ những ràng buộc vật chất tầm thường để có đạt được trạng thái của sự thanh tịnh, an yên.

Còn trong Nho giáo, những kẻ có hành vi không phù hợp với đạo đức và chuẩn mực xã hội đều được gọi là kẻ phàm phu tục tử. Và Nho giáo cũng đề cao việc rèn luyện bản thân, tu dưỡng đạo đức để con người có thể vượt qua trạng thái tầm thường này.

voh-pham-phu-tuc-tu-2
Cụm từ "phàm phu tục tử" xuất hiện trong các hệ tư tưởng tôn giáo

 “Phàm phu tục tử” trong đời sống văn hóa

Phàm phu tục tử ngoài việc hàm chỉ cách sống, suy nghĩ của con người, nó còn giúp định hình tư duy và các giá trị văn hóa.

Trong đời sống hàng ngày, cụm từ phàm phu tục tử được dùng như một công cụ để phân biệt những giá trị tầm thường và lý tưởng cao đẹp. Nó khuyến khích con người tìm kiếm sự thanh cao, từ đó hoàn thiện bản thân và vượt qua những cám dỗ đời sống trần tục.

Phàm phu tục tử trong Phật giáo, Đạo giáo hay Nho giáo không chỉ có là sự chỉ trích mà còn là một nhắc nhở con người phải biết nhận thức, vượt qua ràng buộc của những tham - sân - si, hướng đến sự giác ngộ và hoàn thiện về đạo đức.

Cụm từ phàm phu tục tử cũng thường được sử dụng trong văn học nghệ thuật với mục đích phê phán những nhân vật sống chìm đắm trong dục vọng, phù phiếm, không có mục tiêu, tư tưởng lớn lao. Qua đó, gửi gắm thông điệp giáo dục ý nghĩa để người đọc nhận ra giá trị của bản thân mình.

Ngoài ra, đây cũng là cụm từ giúp con người xây dựng các giá trị văn hóa cao hơn. Khuyến con người nhìn nhận lại bản thân, sống khiêm nhường, không tự cao tự đại, cải thiện cách sống và hành xử với mọi người xung để góp phần vào sự phát triển chung của cộng đồng.

Dùng cụm từ “phàm phu tục tử” trong ăn uống có đúng không?

Ăn uống vốn chuyện riêng tư của mỗi người, nhưng khi đã nâng tầm thành văn hóa ăn uống thì bất cứ chuyện gì liên quan đến ăn uống cũng đều có thể trở thành câu chuyện để bàn tán. Và theo một số người, hành động “đưa tô phở lên húp là kẻ phàm phu tục tử”.

Đúng là cụm từ phàm phu tục tử dùng để miêu tả những người có cách sống, cách nghĩ hoặc hành xử bị coi là tầm thường, thiếu sự thanh cao. Thế nhưng, xét trong văn hóa ẩm thực, việc bưng các món nước lên húp sùn sụp thì có đáng được gọi là kẻ phàm phu tục tử?

voh-pham-phu-tuc-tu-3
Một số người cho rằng hành động "đưa tô phở lên húp là kẻ phàm phu tục tử" - Ảnh: Internet

Một số ý kiến cho rằng, việc ăn uống không tinh tế, kém chọn lọc sẽ làm ảnh hưởng đến tinh hoa ẩm thực của người Việt. Trong khi một số khác lên tiếng, ăn sao cho không mất vệ sinh, không ảnh hưởng đến người xung quanh, mới là đúng trong văn hóa ẩm thực. Còn cách thức thì muốn ăn thế nào chẳng được.

Việt Nam là văn hóa món sợi và nước. Sợi thì dùng đũa gắp, còn nước thì húp giúp trung hòa hương vị. Và hầu hết các món ăn nước phải húp thì mới sảng khoái. Khi bê tô lên, bàn tay ôm vào tô cũng tạo ra sự “tương tác” về ngũ quan.

Theo Siêu đầu bếp Võ Quốc, một trong những người rất trân trọng văn hóa ẩm thực cổ truyền, ngày xưa, khi chưa có muỗng/thìa ông bà ta cũng húp nước trực tiếp từ tô. Sau này, khi có muỗng/thìa thì dùng muỗng/thìa thay thế. Dẫu vậy, húp vẫn là một hành động bình thường. Do đó, một người có hành động bưng tô húp nước không phải là kẻ phàm phu tục tử.

Tuy nhiên, trong văn hóa ăn uống, ăn mà tạo ra tiếng động được xem là hành động  thô tục, bất lịch sự. Các cụ ngày xưa khi ăn món nước vẫn bê cả tô lên húp, nhưng húp nhẹ nhàng giống như thưởng trà.

Húp nước không phát ra tiếng là cách ăn thanh cảnh, ăn có văn hóa. Dẫu có húp hết nước dùng cũng không ai đánh giá là thô tục. Còn húp xì xụp phát ra âm thanh ồn ào, ảnh hưởng đến người khác thì đúng là hành động thô tục và bất lịch sự.

Như vậy, phàm phu tục tử là một cụm từ giàu ý nghĩa, không chỉ mang tính phê phán mà còn khuyến khích con người vượt qua những giá trị tầm thường để hướng đến sự cao quý hơn. Hy vọng, qua bài viết bạn sẽ hiểu hơn về ý nghĩa cụm từ phàm phu tục tử là gì, từ đó sử dụng nó đúng ngữ cảnh và mục đích.

Đừng quên theo dõi chuyên mục Sống đẹp của voh.com.vn để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.