Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Thức ăn dễ hư hỏng trong mùa hè nóng bức

VOH - Do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao dễ khiến thức ăn trở thành nơi sinh sôi của vi khuẩn, từ đó làm tăng khả năng ngộ độc thực phẩm trong mùa hè.

Chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn 5 nguyên tắc phòng tránh ngộ độc thực phẩm, để mọi người có thể ăn uống an toàn hơn và cảm thấy thoải mái hơn khi thưởng thức những món ăn ngon trong mùa hè.

Thức ăn dễ hư hỏng trong mùa hè nóng bức 1
Mùa hè khiến thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn, làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm do mọi người ăn thực phẩm hư hỏng này - Ảnh TVBS

5 cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Mùa hè khi nhiệt độ tăng cao, các loại rau củ, trái cây, thịt cá dễ hư hỏng nên mọi người tránh để thực phẩm bên ngoài tự nhiên (trong môi trường phòng) thời gian quá dài (khoảng một ngày) vì chúng nhanh khô héo và biến chất.

Thực phẩm đã hư hỏng, biến chất nếu đem đi chế biến sẽ dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Yu Zhuqing, một chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, các nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm bao gồm: thực phẩm bảo quản không đúng cách và không đủ nhiệt độ xử lý nhiệt, thực phẩm để ở nhiệt độ bên ngoài tự nhiên thời gian quá dài sau khi chuẩn bị xong để chế biến, nhiễm chéo giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín, người nấu ăn vệ sinh cá nhân kém và dụng cụ sơ chế thực phẩm không sạch sẽ hoặc nguồn nước chế biến thức ăn bị ô nhiễm…

Để tránh ngộ độc thực phẩm, chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mọi người cần tuân thủ 5 nguyên tắc sau:

Cần rửa tay kỹ trước khi nấu ăn

Cần giữ vệ sinh cá nhân thật tốt, rửa tay kỹ sạch sẽ trước khi nấu ăn, trước sau bữa ăn và sau khi đi vệ sinh; nếu có vết thương thì cần băng bó vết thương cẩn thận, không để vết thương tiếp xúc với thực phẩm.

Chú ý đến độ tươi của thực phẩm

Mọi người cần chú ý hạn sử dụng của thực phẩm, không mua thực phẩm quá nhiều, tránh bảo quản quá lâu. Khi mua thực phẩm tươi sống nên chọn chỗ bán uy tín, sau đó “nhìn màu sắc, ngửi mùi vị, hình thức bên ngoài” để đánh giá độ tươi ngon của thực phẩm. Thực phẩm phải có màu sắc tự nhiên, sáng bóng, hình dáng bình thường, không có mùi hôi, môi trường kinh doanh sạch sẽ, thịt, cá phải được bảo quản sạch sẽ và đúng cách.

Để riêng thực phẩm sống và chín

Để riêng thực phẩm sống và chín. Nên sử dụng các dụng cụ khác nhau để xử lý thực phẩm sống và chín để tránh lây nhiễm chéo. Đặc biệt, dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín cần được tách riêng để tránh lây nhiễm chéo.

Nấu chín kỹ lưỡng

Nhiệt độ thực phẩm nằm trong khoảng 60-70°C, đây là nhiệt độ mà vi khuẩn dễ sinh sôi. Do đó, hải sản và các loại thịt nên được nấu chín kỹ lưỡng, không ăn thịt gia cầm, gia súc và các sản phẩm thủy sản nấu chưa chín. Nên nấu chín hoàn toàn thức ăn ở nhiệt độ trên 70°C để dễ dàng loại bỏ các vi khuẩn.

Chú ý nhiệt độ bảo quản

Khi mua thực phẩm ướp lạnh hay thực phẩm làm mát hoặc thực phẩm cấp đông, cần chú ý đến nhiệt độ bảo quản thực phẩm, nên bảo quản dưới 7°C và không nên để thực phẩm này quá lâu ở nhiệt độ tự nhiên bên ngoài, để không làm tăng nguy cơ vi khuẩn sinh sôi, dẫn đến ngộ độc thực phẩm.