Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Nở rộ trào lưu ngâm chân thùng gỗ tại nhà

(VOH) - Ngâm chân thùng gỗ tưởng chừng là dịch vụ chỉ có ở các spa chăm sóc sắc đẹp – giờ đây được nhiều người lựa chọn để làm tại nhà để tự chăm sóc sức khỏe.

"Hót" thị trường thùng gỗ ngâm chân

Theo Y học cổ truyền bàn chân là nơi tập trung hơn 60 huyệt đạo quan trọng. Bàn chân cũng được coi là gốc của cơ thể và có tác động đến hầu hết bộ phận khác. Vì vậy, ngâm chân nước ấm (kết hợp một số dược liệu) trước khi đi ngủ không chỉ giúp thư giãn, ngủ ngon mà còn có một số tác dụng chữa bệnh khác.

Từ xa xưa, nhiều vua chúa đã dùng biện pháp ngâm chân để thư giãn. Ngày nay, kiểu ngâm chân “sang chảnh” là dịch vụ thường thấy ở các spa, làm đẹp nhưng giá chẳng hề rẻ nên nhiều người chuyển sang tự ngâm chân tại nhà.

Tất nhiên, vì trào lưu này mà thị trường chậu ngâm chân cũng rần rần phát triển với đủ kiểu chậu ngâm, bằng nhựa, gỗ, sứ, thậm chí cả chậu ngâm chân bằng điện massage... trong đó, chậu gỗ là loại phổ biến bởi nó gần giống nhất với phương pháp ngâm chân truyền thống. Đồng thời, chất liệu chậu gỗ cũng được đánh giá là giữ nhiệt tốt và bền.

Ngâm chân thùng gỗ "sang chảnh" giờ đã được bình dân hóa tại nhiều gia đình (Ảnh: wtown)

Lướt qua một vòng các trang web bán thùng gỗ ngâm chân trên mạng, có thể thấy thị trường thùng gỗ hiện khá đa dạng với nhiều kiểu dáng, kích thước và chất liệu khác nhau như thùng gỗ thông, gỗ pơmu, gỗ sồi hoặc gỗ tuyết tùng.

Không chỉ thùng nhỏ ngâm chân, mà các loại thùng gỗ lớn dùng để tắm cũng được chào bán đủ kiểu. Chỉ cần một cuộc gọi, thùng gỗ sẽ được giao tới nhà, kèm theo cả túi thảo dược ngâm chân.

Một người bán thùng gỗ ngâm chân trên đường Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, hiện nay, phổ biến nhất và bán chạy nhất vẫn là thùng gỗ sồi và thông. Mỗi tháng cửa hàng này bán hàng trăm thùng gỗ cho cả khác lẻ và khách hàng spa.

Tại đây có 4 kiểu thùng gỗ là thùng gỗ thông và gỗ sồi, loại có hạt massage hoặc không có hạt massage. Giá thùng dao động từ khoảng 480.000 - 620.000/cái tùy loại gỗ và kiểu dáng.

Chủ cửa hàng cho biết, các loại thùng gỗ pơmu cứng và bền hơn so với gỗ thông (có thể dùng 5-7 năm mà không hề bị vỡ hay nứt). Tuy nhiên, do giá thành rẻ hơn nên các spa chuộng đặt hàng các loại thùng gỗ thông, còn khách lẻ lại thích mua thùng gỗ pơmu vì chắc chắn và cứng cáp hơn.

Ngâm chân thùng gỗ đúng cách

Ngâm chân nước ấm là một liệu pháp đơn giản giúp máu huyết lưu thông, thư giãn tinh thần, giúp ngủ ngon và còn có thể giúp điều trị một loạt triệu chứng đau đầu, ngủ không ngon, tinh thần uể oải.

Khi ngâm chân cần chú ý một số nguyên tắc sau:

  • Ngâm chân trong nước quá nóng có thể dẫn đến đau, tấy đỏ, thậm chí là bỏng nặng. Do đó, nước ngâm chân ấm không quá 41 độ C. Sau khi ngâm khoảng 15 phút có thể thêm nước nóng để giữ ổn định nhiệt độ của nước.
  • Người có bệnh tim mạch, huyết áp, thường xuyên choáng váng đầu thì cần lưu ý, không ngâm chân lâu, và chỉ ngâm ở nhiệt độ khoảng 37 độ C.
  • Nước trong chậu phải ngập qua mắt cá chân (khoảng 2cm). Nếu ngâm trong thùng cao thì ngâm chân trong nước tới bắp chân nhằm giúp khí huyết lưu thông tốt nhất.
  • Hãy chắc chắn rằng bàn chân của bạn có đủ chỗ ngâm và chậu ngâm không quá chật chội, nhồi nhét.
  • Thời gian ngâm chân tốt nhất là 9 giờ tối vì đây là thời điểm thận khí yếu nhất trong ngày. Nếu ngâm chân sẽ giúp tăng thân nhiệt, huyết quản sẽ nở ra, có lợi cho việc tăng tuần hoàn máu.
  • Khi ngâm chân cần ngồi thẳng lưng và ngâm trong khoảng từ 20 – 30 phút. Khi ngâm nên kết hợp xoa bóp chân và lòng bàn chân.

Khi ngâm chân có thể bổ sung thêm sỏi trong chậu để massage chân (Ảnh: Prana Julie)

  • Để tăng hiệu quả ngâm chân có thể bổ sung thêm các loại thảo mộc như muối, sả, gừng, chanh, giấm, ngải cứu, lá lốt… nhưng cần cân nhắc và tìm hiểu kĩ trước khi ngâm.
  • Nếu bạn thêm vài giọt tinh dầu vào nước ngâm chân cần bổ sung thêm vào nước ngâm các chất nhũ hóa (như sữa), nếu không, dầu sẽ trôi nổi trên mặt nước thay vì tàn vào cùng nước ngâm chân.
  • Khi ngâm chân mà thấy mồ hôi ra nhiều thì nên dừng ngay, lau khô mồ hôi và nằm nghỉ ngơi nơi kín gió, tránh nguy cơ choáng.

Lưu ý quan trọng:

  • Không ngâm chân với nước quá nóng.
  • Không ngâm chân khi đói hoặc khi vừa ăn nó.
  • Không ngâm chân khi ngồi phòng lạnh (điều hòa hoặc quạt quá lạnh)
  • Không đi ngủ luôn sau khi ngâm chân

Những người không nên ngâm chân

Ngâm chân tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng nên sử dụng phương pháp này. Những đối tượng sau nên tuyệt đối tránh ngâm chân:

- Trẻ em không nên ngâm chân nước nóng vì nếu ngâm có thể khiến dây chằng chân trở nên lỏng lẻo, không có lợi cho việc phát triển chân, thậm chí làm cho cột sống biến dạng...

- Người bị viêm khớp dạng thấp, xơ cứng tắc nghẽn động mạch (những bệnh của người già) vì ngâm chân nước nóng lâu ngày có thể dẫn tới hoại tử.

- Người bị giãn tĩnh hoặc bị suy tĩnh mạch hạn chế ngâm chân nước nóng. Nếu ngâm chân thì sử dụng nước ấm với nhiệt độ dưới 40 độ C.

- Người mắc bệnh tiểu đường lớp da chân tương đối mỏng, dây thần kinh và bàn chân nhạy cảm với nhiệt độ. Ngoài ra, nếu chân bị mụn nước nhỏ, không xử lý tốt có thể dẫn đến nhiễm trùng bàn chân, viêm loét…

- Người trong thời gian bị bong gân, có vết thương hở ở chân thì không nên ngâm chân.

- Người mắc bệnh herpes ở chân, eczema không phù hợp với ngâm chân vào nước nóng.

- Người sau khi uống rượu không nên ngâm chân.