Tại hội nghị thường niên theo hình thức trực tiếp đầu tiên sau 3 năm gián đoạn vì Covid-19 giữa Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), IMF đã kêu gọi các ngân hàng trung ương tiếp tục nỗ lực kiềm chế lạm phát, trong bối cảnh khó khăn liên tiếp bởi các chính sách thắt chặt tiền tệ và sự tăng giá của đồng dollar Mỹ lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Đây là hai yếu tố chính tác động đến thị trường tài chính trong thời gian gần đây.
Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng cho năm 2023, đồng thời nhận định 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm sau, gây thiệt hại khoảng 4 ngàn tỷ USD từ nay đến năm 2026. Con số này tương đương với quy mô GDP của Đức, trong khi tổng GDP toàn cầu năm 2021 là 96 ngàn tỷ USD - theo Giám đốc IMF Kristalina Georgieva.
“Ba nền kinh tế lớn nhất gồm Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sẽ tiếp tục bị đình trệ. Nói ngắn gọn thì điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ là một năm suy thoái”, chuyên gia kinh tế của IMF Pierre-Olivier Gourinchas phát biểu.
IMF cũng đưa ra dự đoán mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 sẽ sụt giảm còn 2,7% - thấp hơn so với mức dự báo trước đó (công bố vào tháng 7) là 2,9%.
Theo đó, lãi suất tăng sẽ kiềm hãm đà tăng trưởng của Mỹ. Trong khi đó, nhiều nước châu Âu - kể cả quốc gia có nền kinh tế hàng đầu như Đức - cũng sẽ rơi vào suy thoái khi tiếp tục “vật lộn” với giá nhiên liệu tăng vọt. Về phía Trung Quốc, nước này theo dự báo vẫn lẩn quẩn với chính sách Zero-Covid của mình, khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng không mấy khả quan. Bên cạnh đó, bức tranh về thị trường bất động sản ở nước này cũng vô cùng ảm đạm vì những khủng hoảng thời gian qua.
Đối với năm 2022, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng ở mức 3,2% - với nhiều tín hiệu khả quan hơn ở châu Âu so với Mỹ.
Trong Báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu, IMF cho rằng, các áp lực kinh tế ngày càng gia tăng, cùng với việc thắt chặt thanh khoản, lạm phát tăng cao và các rủi ro tài chính kéo dài - tất cả đã làm tăng rủi ro đối với việc định giá tài sản và làm mất ổn định thị trường tài chính.
IMF cũng đưa ra dự báo các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 4,4% trong năm nay và 4,9% năm 2023, giảm tương ứng 0,2 điểm % và 0,1 điểm % so với dự báo hồi tháng 7. Giám đốc IMF Kristalina Georgieva kêu gọi thế giới giúp đỡ các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề bởi điều kiện tài chính bị thắt chặt hiện nay.
Chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu
Cuộc họp thường niên của WB và IMF quy tụ các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20). Cuộc họp diễn ra một tuần sau khi Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nền kinh tế phát triển kiềm chế việc tăng lãi suất.
Hiện tại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn kiên định với mục tiêu chống lạm phát bằng việc tăng lãi suất, bất chấp việc này có thể dẫn tới suy thoái kinh tế. FED dự kiến tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới để đưa lạm phát về mức mục tiêu dưới 2%. Hiện tại chỉ số này đang ở mức trên 8%.
Theo một nghiên cứu mới đây, mỗi khi lãi suất tại Mỹ tăng lên 1 điểm phần trăm, thì 3 năm sau đó, GDP thực tại các nền kinh tế phát triển sẽ giảm 0,5% và các nền kinh tế mới nổi giảm 0,8%. Kể từ khi bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng 3 năm nay, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 3 điểm phần trăm.
“Khi các bộ trưởng kinh tế và thống đốc ngân hàng trung ương tụ họp tại sự kiện thường niên của WB-IMF, họ sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng thế giới sẽ không thể chống chịu thêm các đợt tăng lãi suất nữa của FED”, theo một phân tích mới đây của Anna Wong, Andrew Husby và Eliza Winger trên Bloomberg Economics.
Theo IMF, tỉ lệ lạm phát trên toàn cầu sẽ lên tới 9,5% trong năm nay trước khi giảm xuống 4,1% vào năm 2024.