Chờ...

Tết Hạ Nguyên là Tết gì? Gợi ý văn khấn, mâm cúng tết Hạ Nguyên

VOH - Ngày rằm tháng Mười Âm lịch hàng năm được gọi là tết Hạ Nguyên. Dù không được biết đến nhiều như tết Thượng Nguyên hay tết Trung Nguyên, nhưng ngày lễ này vẫn có nét độc đáo của riêng mình.

Bên cạnh tết Thượng Nguyên vào ngày rằm tháng Giêng, tết Trung Nguyên vào ngày rằm tháng Bảy thì chúng ta còn có tết Hạ Nguyên diễn ra vào ngày rằm tháng Mười hàng năm. Vậy tết Hạ Nguyên là gì, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.

Tết Hạ Nguyên là gì?

Tết Hạ Nguyên hay còn gọi là Tết cơm mới, lễ mừng lúa mới, là một trong những dịp lễ quen thuộc của người dân Việt Nam được tổ chức vào ngày 15 tháng Mười Âm lịch hàng năm.

Dân gian lưu truyền nguồn gốc của tết Hạ Nguyên bắt nguồn từ việc người dân có thói quen cúng bái mỗi khi kết thúc vụ mùa để tạ ơn đất trời, thần linh, ông bà tổ tiên đã phù hộ mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, gia đình êm ấm.

voh-tet-ha-nguyen-1
Tết Hạ Nguyên thường được tổ chức vào ngày 15/10 Âm lịch - Ảnh: Internet

Thói quen này được duy trì theo thời gian và dần trở thành một ngày lễ quan trọng đối với người nông dân nói riêng cũng như người dân Việt nói chung.

Trong Phật giáo, tết Hạ Nguyên cũng được xem là một trong những ngày lễ lớn. Vào ngày rằm tháng Mười, nhiều gia đình sẽ bày biện cúng bái, đi chùa để cầu siêu cho những người thân đã khuất hay cầu bình an.

Ý nghĩa tết Hạ Nguyên

Tết Hạ Nguyên là một dịp lễ lớn trong đời sống tâm linh của người dân với nhiều ý nghĩa sâu sắc:

Thể hiện lòng biết ơn với chư Phật và tổ tiên

Tết Hạ Nguyên rơi vào thời điểm mùa gặt đã xong, công việc đồng áng cũng dần thảnh thơi hơn. Khi ấy, lúa mới, rơm mới đều có đủ nên người dân nghĩ ngay đến ơn nghĩa của thiên địa, thần Phật và tổ tiên ông bà…

Người dân khắp mọi miền thường nấu mâm cơm cúng để bày tỏ lòng thành kính đối với công ơn của chư Phật, thần linh, tổ tiên đã tạo ra, giữ gìn và phát huy tính hướng thiện. Do đó, lễ cúng tết Hạ Nguyên không chỉ diễn ra ở nhà mà còn diễn ra ở chùa để mọi người noi gương đức Phật.

Cầu siêu, cầu an cho người đã khuất

Nhiều gia đình nhân ngày lễ Hạ Nguyên sẽ tổ chức cúng cầu siêu cho người thân đã khuất. Sau khi lễ Phật xong, nhiều người thăm viếng thân nhân đã mất được gửi tro cốt tại chùa và cầu siêu cho họ.

Bên cạnh lễ cầu siêu, người dân còn đến chùa để cầu an cho bản thân, gia đình trong ngày tết Hạ Nguyên.

Hướng con người đến những việc thiện

Vào ngày lễ Hạ Nguyên, thông qua việc tổ chức cúng vái tổ tiên, chư thần, chư Phật hướng con người đến những việc thiện, phát huy tính hướng thiện, sống tốt đời đẹp đạo.

Mẫu văn khấn tết Hạ Nguyên

Theo quan niệm của người xưa, vào ngày tết Hạ Nguyên Thiên Đình sẽ cử thần Tam Thanh xuống trần gian để xem việc tốt xấu về bẩm tâu với Ngọc Hoàng. Do đó, các gia đình thường sẽ bày biện mâm cúng để thần Tam Thanh ban phúc lành, tránh tai họa và cũng là dịp “Tiến tân” cơm gạo mới cúng tổ tiên.

Dưới đây là một số mẫu văn khấn tết Hạ Nguyên thường được dùng nhiều nhất.

Mẫu văn khấn tết Hạ Nguyên số 1

Nam mô a di đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ Địa, ngài Bản gia Táo Quân, cùng chư vị Tôn thần.

Con kính lạy Cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, thúc bá huynh đệ, cô dì, tỷ muội họ nội họ ngoại.

Tín chủ (chúng) con là.................................................

Ngụ tại................................................................................

Hôm nay là ngày mồng một (ngày mười lăm, hoặc ngày mùng 10) tháng mười là ngày Tết Cơm Mới, tín chủ chúng con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa, trà quả đốt nén tâm hương dâng lên trước án.

Trộm nghĩ rằng:

Cây cao bóng tốt

Quả tốt hương bay

Công tài bồi xưa những ai gây

Của quý hoá nay con cháu hưởng

Trước nhờ ơn Trời Đất Phật Tiên, chư vị Tôn thần

Sau nhờ ơn Tổ tiên gây dựng, kể công tân khổ biết là bao?

Đến nay con cháu dồi dào, hưởng miếng trân cam còn nhớ mãi.

Nay nhân mùa gặt hái Gánh nếp tẻ đầu mùa Nghĩ đến ơn xưa

Cày bừa vun xới Sửa nồi cơm mới Kính cẩn dâng lên

Thưởng tiên nếm trước

Mong nhờ Tổ phước

Hòa cốc phong đăng

Thóc lúa thêm tăng

Hoa màu tươi mới

Làm ăn tiến tới

Con cháu được nhờ

Lễ tuy đơn sơ

Tỏ lòng thành kính

Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ Địa, ngài Bản gia Táo Quân, Ngũ phương, Long Mạch Tài thần, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật,

Chúng con kính mời các cụ Cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, chư vị Hương linh Gia tiên nội ngoại họ....................................................... cúi xin thương xót con cháu, giáng về linh sàng, chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời vong linh các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng. Xin các ngài độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

voh-tet-ha-nguyen-2
Vào ngày tết Hạ Nguyên nhiều gia đình bày biện mâm cúng, khấn vái để tạ ơn thần, Phật, tổ tiên - Ảnh: Internet

Mẫu văn khấn tết Cơm mới ngày rằm tháng Mười Âm lịch

Hôm nay!

Ngày….. tháng….. năm…..

Tại: Thôn……. xã……. huyện……. tỉnh thành…….

Tế chủ là: ……. Thay mặt cho dân toàn huyện xã…..

Nhân ngày lễ cúng cơm gạo mới,

Theo nghi lễ cổ truyền, kính cẩn sắm sửa các loại lễ vật gồm có:…….

Kính dâng lễ mọn, biểu lộ lòng thành, kính dâng lên:

Đức tiên thánh Thần Nông và chư vị tôn thần bản địa:

Trộm nghĩ:

Cây cao bóng mát,

Quả tốt hương bay.

Công dạy dỗ, xưa cấy cày truyền lại.

Hạt ngọc ngà, nay con cháu hưởng chung.

Nhờ trước tổ tiên gây dựng, công tân khổ biết là bao,

Đến nay con cháu dồi dào, miếng trân cam còn nhớ mãi.

Nay nhân mùa gặt hái,

Gánh nếp tẻ đầu mùa.

Nghĩ đến ơn xưa, cày bừa vun xới,

Sửa nồi cơm mới, khấn vái gia tiên.

Kính cẩn dâng lên, mong nhờ tổ phúc.

Phù trì con cháu, giúp đỡ toàn dân,

Hòa cốc phong đăng, thóc lúa thêm tăng.

Hoa màu tươi mới, làm ăn tấn tới,

Gia đình đầm ấm, con cháu được nhờ.

Lễ tuy đơn sơ, lòng thành chứng giám.

Thượng hưởng.

Tết Hạ Nguyên cúng gì?

Theo phong tục cổ xưa, vào ngày tết Hạ Nguyên các gia đình thường sẽ nấu xôi gạo mới, sắm sửa hương, hoa, đèn, nến cùng mâm lễ chay thơm ngon để cúng tổ tiên.

Một số gia đình vào ngày rằm còn chuẩn bị thêm mâm cúng mặn gồm các món ăn đặc trưng như:

  • Xôi, chè
  • Bánh cúng
  • Bánh in
  • Thịt heo luộc
  • Gà hấp
  • Giò lụa, nem rán

Ngoài ra còn có thêm đĩa trái cây, trầu cau, rượu, nước lọc, hoa cúc/bông lúa, hương, đèn, nến…

voh-tet-ha-nguyen-3
Mâm cúng tết Hạ Nguyên có thể là đồ chay hoặc mặn - Ảnh: Internet

Những lưu ý trong ngày tết Hạ Nguyên

Vào ngày tết Hạ Nguyên, các gia đình cần lưu ý một số điều sau để ngày lễ tết diễn ra trọn vẹn, ý nghĩa:

  • Dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ gia tiên
  • Chọn thời gian làm lễ phù hợp với gia đình và địa phương. Theo truyền thống, lễ cúng tết Hạ Nguyên thường diễn ra vào buổi sáng hoặc chiều tối ngày 15/10 Âm lịch.
  • Mâm cỗ cúng tết Hạ Nguyên chuẩn bị chỉnh chu, thực hiện lễ cúng trên bàn thờ tổ tiên và Tam Bảo.
  • Làm lễ cúng với tấm lòng thành tâm, sự tôn kính với tổ tiên ông bà đã khuất.
  • Khi viếng chùa cầu an, cầu siêu trong dịp tết Hạ Nguyên cần chuẩn bị lễ vật dâng hương tại chùa như hương, hoa, quả tươi,…

Như vậy, tết Hạ Nguyên là một dịp lễ quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguồn gốc và ý nghĩa ngày tết Hạ Nguyên.

Đừng quên theo dõi các bài viết mới của chúng tôi thông qua VOH thường thức.