Tiêu điểm: Nhân Humanity

Trường Sa miền nhớ. Bài 2: Vững vàng nơi sóng gió

VOH - Mỗi điểm, mỗi đảo trên quần đảo Trường Sa đều là những dấu son chủ quyền lãnh hải Tổ quốc.

Sinh Tồn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió

Xã đảo Sinh Tồn là một trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Nằm án ngữ ở một vị trí quan trọng trong quần đảo Trường Sa, Sinh Tồn là một trong những hòn đảo có ý nghĩa chiến lược.

Cũng như những đảo khác, Sinh Tồn không có nước ngọt, trên đảo chỉ có san hô nên hầu như không trồng được cây ăn quả, rau xanh. Bằng sức lao động và sự cần cù, chịu khó, quân và dân trên đảo đã cải tạo được đất và có thể trồng được rau xanh để cải thiện cuộc sống. 

Chiến sĩ Lê Xuân Lĩnh, chia sẻ: “Trồng rau cũng nhiều vất vả, hàng ngày cuốc đất cho rau tươi xanh. Thời tiết khắc nghiệt, nắng gió và nước biển táp vào, cây cối rất khó sống. Nhờ sự cần cù, chịu khó của các chiến sĩ, ở đây cũng trồng được cải, rau ngót, rau mùng tơi với nhiều loại rau thơm khác.”

Truong Sa_dao Sinh Ton-trong rau-Anh Phuong Dung
Chăm sóc vườn rau trên đảo Sinh Tồn - Ảnh: Phương Dung

Dù còn nhiều khó khăn, điều kiện y tế còn thiếu thốn, song, bằng tinh thần trách nhiệm cao, các y, bác sĩ tại xã đảo Sinh Tồn nỗ lực vượt khó, cứu sống nhiều trường hợp là chiến sĩ, ngư dân tại đây.

Thượng úy Đinh Văn Trường – Bác sĩ Trưởng Bệnh xá Đảo Sinh Tồn cho biết: từ đầu năm 2024 đến nay đã điều trị cho gần 20 ngư dân, trong đó đã đưa 3 ngư dân bằng trực thăng và 2 ngư dân bằng tàu trực vào bờ để kịp thời cứu chữa.

Trường tiểu học xã Sinh Tồn hiện có năm lớp, sĩ số khiêm tốn, dù vậy không khí giảng dạy, học tập của thầy và trò nơi đảo xa chưa bao giờ vì thế mà kém hào hứng, sôi nổi.

Thầy giáo Trương Hồng Lĩnh cho biết: “Mình là giáo viên tiểu học, ở đây đặc thù nên dạy luôn cả mầm non. Cũng có nhiều bỡ ngỡ, ví dụ như hát múa, đôi lúc cũng vụng về."

Truong Sa_dao Sinh Ton-thay giao Truong Hong Lĩnh-Anh Phuong Dung
Phóng viên VOH phỏng vấn thầy giáo Trương Hồng Lĩnh trên đảo Sinh Tồn - Ảnh: Phương Dung

Tọa lạc tại đảo còn có ngôi chùa Sinh Tồn, nơi đặt tấm bia ghi danh 64 liệt sĩ hy sinh trong sự kiện bảo vệ bãi đá Gạc Ma ngày 14/3/1988, để tưởng nhớ, tri ân những người con đã anh dũng, hy sinh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thượng tọa Thích Minh Bảo – Trưởng ban trị sự Phật giáo Chùa Phước Duyên, quận 4, TPHCM, cho biết: “Chúng tôi rất là tự hào vì nơi đây có một ngôi chùa để hướng dẫn tâm linh cho đồng bào, chiến sĩ, nhân dân ở tại hòn đảo này. Hy vọng rằng nơi nào có mái chùa, nơi đó sẽ che chở cho dân tộc chúng ta có hòa bình”.

Cư dân trên đảo Sinh Tồn là những gia đình trẻ, sống, gắn bó với Trường Sa và xem đây là quê hương thứ 2 của mình.

Chị Trần Thị Thu Huyền – người dân sinh sống tại xã đảo Sinh Tồn tâm sự: được ra tuyến đầu của Tổ quốc là một vinh dự cho bản thân và gia đình, chị cảm thấy tự hào vì được cùng với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo "chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc".

Trung tá Hoàng Đức Chiến – Chính trị viên đảo Sinh Tồn cho biết, với mỗi người lính đảo, lòng dũng cảm, sự dạn dày sương gió không chỉ cảm nhận từ màu da rám nắng mà đến từ trong suy nghĩ và hành động của mỗi người.

Bởi giữa nơi trùng khơi, chỉ có niềm tin, tình yêu biển đảo quê hương và trọng trách với Tổ quốc, dân tộc mới thực sự là thành lũy vững chắc, che chở cho họ.

Nhà giàn DK1: cột mốc canh giữ chủ quyền của Tổ quốc

Cách nay 35 năm (ngày 5/7/1989), trên vùng biển phên giậu của Tổ quốc - thềm lục địa phía Nam - những nhà giàn DK1 đầu tiên được xây dựng để bảo vệ chủ quyền. DK là chữ cái đầu viết tắt của cụm từ Dịch vụ - Khoa học kỹ thuật, phục vụ mục đích dân sự trên biển.

Những nhà giàn DK1 giữa trùng khơi đã trở thành biểu tượng khẳng định cột mốc chủ quyền trên biển. Và để bảo vệ chủ quyền của biển đảo đã có những chiến sỹ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.

Truong Sa_Nha gian DK1-Anh Phuong Dung
Nhà giàn DK1 - Cột mốc chủ quyền trên biển Việt Nam - Ảnh: Phương Dung

Lần đầu tiên đứng trên nhà giàn mới thấy sự chông chênh giữa biển, nhìn lên là bầu trời, nhìn xuống là biển sâu thăm thẳm. Vậy mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ vẫn bám trụ dài ngày canh giữ nhà giàn để trở thành những “pháo đài thép” hiên ngang trên biển.

Thượng tá Phạm Văn Hưng, nguyên trưởng ngành 2 tàu HQ-505 - nguyên Phó phòng Hậu cần Hành chính Bộ tham mưu Hải quân, nhân chứng sống của cuộc hải chiến Gạc Ma 1988, nơi 64 cán bộ, chiến hy sinh.

Nay ông trở lại mang theo niềm cảm xúc dâng trào: “Mỗi lần đi qua và làm lễ tưởng niệm cũng đều gợi cho tôi nhớ và hình dung đến gương mặt của từng anh em, thương quá các đồng đội tôi!”.

Truong Sa_Nha gian DK1_tuong niem cac liet si-Anh Tran Minh Tu
Vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc - Ảnh: Trần Minh Tú

Còn chị Trần Thị Liên, công tác tại Viện Kiểm sát TPHCM, con gái liệt sĩ Trần Quang Triết nhớ về người cha của mình đã hy sinh giữa trùng khơi khi chị còn trong bụng mẹ.

Chị  Liên nghẹn ngào: “Bố hy sinh vì đất nước. Nay được ra đây, mình rất là xúc động. Giờ thấy con gái cũng khỏe mạnh, có công việc ổn định và làm những việc giúp ích cho cuộc sống chắc là bố cũng vui thôi.

Ra Trường Sa là ước mơ và tâm niệm của cả gia đình mình bấy lâu nay vì không đưa được bố về. Ra đây thắp hương cho bố và các bác, các chú có hoàn cảnh như bố mình”.

Tham gia cùng đoàn suốt hải trình, Thượng tá Vũ Trọng Lưu, Chính trị viên Đoàn An điều dưỡng 22, Cục Chính trị Hải quân cho biết, công trình DK1 có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh - quốc phòng.

Thượng tá Vũ Trọng Lưu nhớ lại: “Những năm đầu tiên xây dựng, nhà giàn này chỉ chịu được sóng cấp 10. Khi cơn bão năm 1998, 1999 rồi 1990 thì có 5 nhà giàn đổ.

Năm đó là bão cấp 12 và có những lúc giật trên cấp 14, tất cả những vật dụng đều bay hết, chỉ còn những cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn kiên trì bám trụ. Đến khi không còn chịu được nữa thì là mọi người quấn cờ Tổ quốc vào trong lòng mình và nhảy xuống biến. Chỉ huy trưởng – chính trị viên là người rút ra sau cùng trước khi nhà giàn đổ”.

Truong Sa_Nha gian DK1_tuong niem cac liet si-Anh Phuong Dung
Nghi thức thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ - Ảnh: Phương Dung

Dù đi vào mùa biển êm nhưng việc tiếp cận và leo lên nhà giàn cũng không hề dễ dàng với những người đến từ đất liền. Đặt chân lên nhà giàn, trải nghiệm cuộc sống ở độ cao hơn 30 mét so với mặt nước biển mới cảm nhận được sự hy sinh của những người ngày đêm đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió, quanh năm, chân chưa hề chạm đất.

Ca sĩ Đông Triều tâm tình: “Đây là lần thứ 3 đến với Trường Sa và được đặt chân lên nhà giàn, 2 lần trước thời tiết không cho phép. Đông Triều rất cảm động khi thấy được sự khó khăn của nhà giàn, thấy được sự hy sinh của các anh rất nhiều".

Tranh thủ những giây phút quý giá trên nhà giàn DK1/17, chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện cùng những người lính trẻ ngày đêm ngăn sóng canh giữ tại nhà giàn DK1 mới thấy đây là công trình vững chãi, sừng sững hiện ra như pháo đài thép.

Theo hạ sĩ Đỗ Minh Thuận, Tiểu đoàn DK1 đi tham quan nhà giàn, được tận mắt chứng kiến những thành quả của hoạt động tăng gia sản xuất. Giữa biển trời đầy nắng, gió và bão tố nhưng những mầm xanh vẫn vươn lên trong sóng gió.

Minh Thuận tâm tình: “Ra đây em mới hiểu được cuộc sống của cha anh ngày xưa đã hy sinh cho đất nước như thế nào. Hôm nay em phải phấn đấu hết mình để không phụ lòng cha ông và mọi người”.

Đã có rất nhiều người lính dành cả tuổi trẻ của họ ở nhà giàn DK1. Thiếu tá chuyên nghiệp Đoàn Quang Duẩn – nhân viên thông tin vô tuyến điện tại Nhà giàn Phúc Tần - kể, 29 năm qua anh đã đi 5–6 nhà giàn, cũng trải qua những giây phút căng thẳng tột độ khi tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn.

Cuộc gặp gỡ, thăm hỏi, động viên chỉ vẻn vẹn trong khoảng hơn một giờ đồng hồ nhưng đã khơi lên trong lòng mỗi người trong đoàn một niềm cảm xúc khó tả. Những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm nồng ấm không thể nào nói hết sự cảm phục của những người thăm nhà giàn.

Chuyến đi giúp cho đoàn đại biểu TPHCM hiểu hơn về đời sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo, tích cực tuyên truyền về biển, đảo;  tham gia các hoạt động của phong trào “Vì biển, đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”.

 
Bình luận