Chờ...

Lê Công Vinh: Huyền thoại hay "vai phản diện" của bóng đá Việt Nam

VOH - Lê Công Vinh luôn là cầu thủ nằm trong ranh giới giữa yêu và ghét của người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

Bước đệm của một tài năng sáng giá 

“Sự thăng hoa tuyệt vời, phút cuối cùng và lưới của Kosin đã rung lên. Còn điều gì ngọt ngào hơn khi chiến thắng đến từ những giây cuối cùng của trận đấu. Đây, đây là đỉnh cao, đỉnh cao của Đội tuyển Việt Nam tại giải lần này…”.

le-cong-vinh-huyen-thoai-hay-vai-phan-dien-cua-bong-da-viet-nam 1
Lê Công Vinh và bàn thắng để đời trong màu áo ĐTQG Việt Nam - Ảnh: Internet

Đó là những khoảnh khắc gắn liền với chiến tích vinh quang của đội tuyển Việt Nam, khi tiền đạo Lê Công Vinh đón cú đá phạt tinh tế của Minh Phương, và tung cú đánh đầu ngược đẳng cấp tung lưới Thái Lan vào phút bù giờ Hiệp 2 - Trận Chung kết Lượt về AFF Cup 2008, trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

Đó chính là bàn thắng lịch sử, đưa bóng đá nam Việt Nam lần đầu bước lên đỉnh Đông Nam Á. Lê Công Vinh - Tác giả của bàn thắng đó, sau này cũng đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam, với tư cách là một trong những huyền thoại vĩ đại không thể chối cãi.

Những drama không đáng có 

Tuy nhiên, câu chuyện cổ tích của ngôi sao xứ Nghệ dường như không có được một phần hậu truyện trọn vẹn. Trái ngược với những tên tuổi lừng danh khác như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Tài Em, hay sau này là thế hệ hậu bối với những Quang Hải, Công Phượng, Hùng Dũng… Lê Công Vinh của hiện tại, thường được nhắc đến trong cộng đồng yêu bóng đá Việt Nam, như một cái tên gây nhiều tranh cãi, bởi vô số lùm xùm đời tư cũng như chuyên môn.

le-cong-vinh-huyen-thoai-hay-vai-phan-dien-cua-bong-da-viet-nam 12
Công Vinh đưa ra nhiều quyết định gây tranh cãi - Ảnh: Internet

Vậy tại sao Lê Công Vinh lại trở thành một trong những huyền thoại bóng đá bị ghẻ lạnh nhất đối với người hâm mộ Việt Nam? Hãy cùng tìm hiểu những câu chuyện thâm cung bí sử xoay quanh sự nghiệp của ngôi sao này!

Lê Công Vinh được xem là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Anh là biểu tượng của sự chuyên nghiệp, nỗ lực và thành công trên sân cỏ với nhiều thành tích đáng nể. Tuy nhiên, sự nghiệp rực rỡ của Công Vinh không phải lúc nào cũng được người hâm mộ đón nhận tích cực. 

Một trong những cột mốc đầu tiên khiến hình ảnh của Công Vinh bị rạn nứt trong mắt người hâm mộ, chính là thương vụ chuyển nhượng từ Sông Lam Nghệ An sang Hà Nội T&T vào năm 2009. Giới truyền thông khi đó khẳng định rằng, Bầu Hiển đã phải chi ra không dưới 9 tỷ tiền lót tay, để có được chữ ký của chủ nhân 3 quả bóng vàng Việt Nam.

le-cong-vinh-huyen-thoai-hay-vai-phan-dien-cua-bong-da-viet-nam 123
Công Vinh thẳng thắn chia sẻ về việc bị cô lập - Ảnh: Internet

Trong màu áo đội bóng thủ đô, Công Vinh tiếp tục bùng nổ ở 2 mùa giải đầu tiên, ghi 24 bàn thắng, tuy nhiên Hà Nội T&T lại không gặt hái được danh hiệu nào trong giai đoạn này. Cho đến mùa giải thứ 3, khi CV9 sa sút phong độ, lại vướng vào một số lùm xùm không đáng có, thì Hà Nội T&T lại đăng quang ngôi vô địch V-League lần đầu tiên trong lịch sử. Có thể nói, đây là một danh hiệu mà Công Vinh không đóng góp dấu ấn đáng kể.

Ở thời điểm Công Vinh gia nhập đội bóng của Bầu Hiển, báo chí trong nước cũng hé lộ nguyên nhân tiền đạo này dứt áo khỏi Sông Lam Nghệ An. Theo đó, Công Vinh từng đưa ra yêu cầu tăng lương và phí lót tay đối với đội bóng xứ Nghệ. Trong bối cảnh gặp khó khăn về tài chính, đội bóng sông Lam dĩ nhiên không thể đáp ứng, và đành để tiền đạo con cưng của họ ra đi. Thông tin này đã dấy lên làn sóng phản ứng tiêu cực nhắm vào Công Vinh, cổ động viên quê nhà chỉ trích anh thậm tệ khi cho rằng Công Vinh đã lợi dụng lúc đội bóng khó khăn để trục lợi, yêu sách.

Chẳng những vậy, chỉ sau 3 năm khoác áo Hà Nội T&T, Công Vinh lại khiến giới truyền thông bàng hoàng ngã ngửa vì cú quay xe phút cuối, khi tuyên bố gia nhập Hà Nội FC (Tiền thân là Hà Nội ACB) của Bầu Kiên, dù trước đó đã đạt thỏa thuận gia hạn hợp đồng với Hà Nội T&T.

Lúc này, nhiều người trong nghề cũng bóng gió ám chỉ việc tiền đạo xứ Nghệ “Lật Mặt” như trở bàn tay. Vào giữa tháng 11 năm 2024 vừa qua, Công Vinh lại trở thành tâm điểm chỉ trích, khi có một cú quay xe kinh điển không kém. Theo đó, khi Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An đăng tải thông báo về việc bổ nhiệm anh vào vị trí Trợ lý Ban huấn luyện, thì đích thân cầu thủ này lại lên mạng xã hội phủ nhận, tuyên bố rằng anh chưa hề đồng ý lời đề nghị này.

le-cong-vinh-huyen-thoai-hay-vai-phan-dien-cua-bong-da-viet-nam 1234
Công Vinh luôn là cái tên gây tranh cãi - Ảnh: Internet

Ban lãnh đạo Sông Lam Nghệ An sau đó khẳng định với báo chí rằng đã nhận được sự đồng thuận làm việc từ Công Vinh, nên mới đưa ra thông báo chính thức. Việc CV9 “quay xe” phút cuối khiến đội bóng vô cùng khó xử và thất vọng.

Hành động của cựu tiền đạo này sau đó đã vấp phải vô vàn chỉ trích, và cũng từ đây, những bê bối trong quá khứ của anh lại một lần nữa được đào xới.

Trong mùa giải cuối cùng khoác áo Hà Nội T&T năm 2012, Công Vinh hết chấn thương rồi lại liên tục có những phản ứng thái quá với trọng tài và người hâm mộ, mà khoảnh khắc “huyền thoại” chính là tình huống vái lạy trọng tài, khiến anh bị tước băng đội trưởng của đội bóng.

Một số phân tích chỉ ra rằng, ekip làm truyền thông của Công Vinh khi đó muốn xây dựng hình ảnh một cầu thủ có cá tính mạnh, với hình mẫu tương tự như Cristiano Ronaldo và David Beckham, đó là lý do Công Vinh bắt đầu có những cử chỉ thái quá trên sân, nhằm thu hút sự chú ý đặc biệt của giới truyền thông.

Sau khi gia nhập Hà Nội FC, một số nguồn tin định hướng dư luận còn thêu dệt câu chuyện Công Vinh ra đi không phải vì tiền, mà là do bị bầu Hiển ngăn cấm chuyện tình cảm với ca sĩ Thủy Tiên. Câu chuyện này cũng có nhiều nét tương đồng với vụ việc Beckham bị Sir Alex Ferguson ngăn cấm chuyện yêu đương với Victoria, dẫn đến việc anh phải rời Man United khi xưa.

le-cong-vinh-huyen-thoai-hay-vai-phan-dien-cua-bong-da-viet-nam 12345
Chuyện tình cảm rắc rối của Công Vinh - Ảnh: Internet

Đỉnh điểm của sự bài xích đối với Công Vinh trong giới bóng đá Việt nảy sinh khi anh cho ra mắt cuốn tự truyện gây tranh cãi “Phút 89”, vào năm 2018, sau khi anh giải nghệ. Trong cuốn sách này, Công Vinh không ngần ngại chỉ trích hàng loạt đồng đội cũ về việc cô lập anh khi lên tuyển, hay thậm chí chỉ đích danh cả những người thầy cũ, như việc Huấn luyện viên Calisto thiên vị các cầu thủ thuộc biên chế Đồng Tâm Long An, hay việc anh không đưa phong bì cho huấn luyện viên Lê Thụy Hải nên bị ông đày ải trên băng ghế dự bị, khi còn khoác áo Bình Dương.

Nhiều luồng dư luận trái chiều đã nảy sinh, một số ý kiến cho rằng Công Vinh đã rất can đảm khi nói lên thực trạng, góc khuất của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn những người trong cuộc đều khẳng định rằng những câu chuyện trên là sự thêu dệt không có bằng chứng xác thực.

Thậm chí nhiều đồng đội cũ còn thẳng thắn chỉ trích Công Vinh, cho rằng anh đang tẩy trắng và biến mình thành nạn nhân trong mọi việc, mà cố tình lấp liếm đi thói ngôi sao và những chiêu trò truyền thông ích kỷ, lợi dụng tên tuổi người khác để tô vẽ bản thân.

Phút 89 ra mắt, cũng là thời điểm Công Vinh trở thành kẻ phản diện của làng bóng đá Việt Nam.

Cho đến thời điểm năm 2021, sau khi sự kiện ca sĩ Thủy Tiên bị tố ăn chặn hàng trăm tỉ tiền từ thiện lũ lụt miền Trung được lan truyền khắp các mặt báo, uy tín của cặp vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên gần như sụp đổ hoàn toàn.

Ở thời điểm hiện tại, vị thế huyền thoại của Công Vinh trong lịch sử bóng đá Việt Nam vẫn là điều không ai có thể phủ nhận. Dẫu vậy, nhưng dấu hỏi về tư cách cầu thủ cũng như bê bối đời tư của cầu thủ quê Nghệ An, cũng khiến cho hình ảnh và vị thế của anh dần trở nên mờ nhạt trong ký ức của nhiều thế hệ người hâm mộ Việt Nam.