Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, cơ quan trung ương liên quan, Bộ Nội vụ ban hành 56 văn bản tham gia ý kiến đối với phương án tổng thể của các địa phương.
Hiện các địa phương đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện đề án sắp xếp để tổ chức lấy ý kiến cử tri, thông qua HĐND các cấp theo quy định để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Từ phương án tổng thể của 56 tỉnh, thành phố cho thấy tổng số huyện thực hiện sắp xếp là 50 đơn vị. Bao gồm 11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp dự kiến giảm 14 đơn vị huyện.
Tổng số huyện thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 19 đơn vị.
Đối với cấp xã, tổng số xã thực hiện sắp xếp 1.243 đơn vị (bao gồm 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề), sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị.
Tổng số xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 515 đơn vị.
Dự kiến ban đầu, giai đoạn 2023 - 2025, thực hiện sắp xếp với 30 huyện và 1.243 xã. Nhưng theo Bộ Nội vụ, số lượng đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp trên tổng số đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp đạt tỉ lệ 166,66% đối với cấp huyện (50/30) và 99,20% đối với cấp xã (1.243/1.253).
Trong đó một số địa phương ngoài việc sắp xếp các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp còn đề xuất sắp xếp số lượng lớn các đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích, liền kề.
Theo Bộ Nội vụ, số lượng huyện, cấp xã địa phương đề xuất không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù khá lớn (19/30 cấp huyện, chiếm tỉ lệ 63,33% và 515/1.253 cấp xã, chiếm tỉ lệ 41,10%).