Sáng 25/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp cùng Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia (Tổng Cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) để ứng phó với bão số 6 (tên tiếng Việt là Trà Mi).
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, chiều 24/10, bão số 6 đã đi vào biển Đông, sức gió gần tâm bão mạnh nhất giật cấp 9.
Sáng ngày 25/10, cường độ của bão đã tăng lên cấp 10, di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão Trà Mi tiếp tục di chuyển theo hướng Tây và có khả năng mạnh lên cấp 12.
Khi vượt qua phía Bắc của đảo Trường Sa cường độ bão có xu hướng suy yếu do có tác động của không khí lạnh còn cấp 10-11.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay ở phía Đông của Philippines có áp thấp nhiệt đới và trong 24-48 giờ tới có khả năng mạnh lên thành bão và di chuyển đến phía Đông Bắc của đảo Lu Dông (Philippines) nên có sự tương tác của bão đôi. Điều này làm cho bão số 6 dịch chuyển ra ngoài và suy yếu.
Song trên ảnh mây vệ tinh thể hiện hoàn lưu của bão số 6 là rất rộng và lệch về phía Tây.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-12 (89-133 km/h), giật cấp 15, sóng biển cao 5-7 m, vùng gần tâm bão 7-9 m. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên, đặc biệt trên khu vực huyện đảo Hoàng Sa đều có khả năng chịu tác động của giông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Từ tối 26/10, bão số 6 có thể gây mưa lớn ở Trung Bộ. Mưa diện rộng từ Hà Tĩnh đến Phú Yên.
Đánh giá sơ bộ ban đầu mưa tập trung từ ngày 26 đến 29/10, nhiều nơi có mưa rất to với lượng mưa lên đến 200-300mm.
Đài khí tượng Nhật Bản dự báo bão Trà Mi khi cách bờ biển Trung Trung Bộ khoảng 100 km thì đổi hướng quay ngược ra biển, sức gió duy trì khoảng 90 km/h. Cùng chung nhận định về hướng đi, đài Hong Kong cho rằng bão sẽ duy trì sức gió 110 km/h trước khi đổi hướng.