Bất động sản Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn trên thị trường toàn cầu với mức tăng trưởng giá lên tới 59% trong 5 năm qua, vượt trội so với các quốc gia phát triển như Mỹ, Australia và Nhật Bản.
Theo số liệu từ Global Property Guide, Việt Nam hiện nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá bất động sản cao nhất thế giới. So với Mỹ (54%), Australia (49%), Nhật Bản (41%), Việt Nam đạt mức 59%, thể hiện tiềm năng lớn của thị trường trong bối cảnh phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, nhận định tốc độ tăng trưởng này phản ánh sự ổn định của kinh tế vĩ mô và nhu cầu sở hữu bất động sản ngày càng tăng của người dân. “GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện ở mức cao, đồng thời, tỷ lệ sở hữu bất động sản đạt 90%, vượt xa nhiều quốc gia trong khu vực,” ông Quốc Anh chia sẻ.
Yếu tố chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, tỷ trọng thuế bất động sản trong GDP của Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ đạt 0,03%, so với 1,5% ở Singapore và 2,6% ở Nhật Bản. Điều này đặt ra bài toán về việc sử dụng thuế như một công cụ quản lý hiệu quả và tối ưu nguồn thu.
Về khía cạnh xã hội, xu hướng đô thị hóa nhanh và sự thay đổi trong cấu trúc gia đình đã gia tăng nhu cầu sở hữu bất động sản. Đặc biệt, người Việt có xu hướng xem bất động sản không chỉ là tài sản đầu tư mà còn là biểu tượng của sự ổn định và an cư.
Nhìn lại hành trình 30 năm, thị trường bất động sản Việt Nam trải qua 5 giai đoạn chính:
- Khởi đầu (trước 2009): Thị trường hình thành với sự gia tăng đầu tư nước ngoài, đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
- Định hình (2009-2012): Thị trường chững lại do lãi suất tăng và tín dụng thắt chặt, dẫn đến khủng hoảng niềm tin.
- Tăng trưởng (2013-2019): Luật pháp hoàn thiện hơn, nguồn cung tăng, thị trường sôi động trở lại.
- Biến động (2020-2021): COVID-19 gây ảnh hưởng nhưng giao dịch bất động sản vẫn duy trì với sự nâng cấp hóa sản phẩm.
- Thách thức (2022-2024): Tình hình vĩ mô khó khăn làm bộc lộ điểm yếu của nhiều doanh nghiệp, đặt ra yêu cầu về cải thiện tính minh bạch và uy tín.