Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bộ Công an kiến nghị gì qua vụ án Việt Á?

VOH - Bộ Công an kiến nghị 7 vấn đề, trong đó nhấn mạnh việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi liên quan nhưng chưa đến mức xử lý hình sự.

Theo kết luận điều tra vụ án kit test Việt Á của Bộ Công an, cho thấy sai phạm ở nhiều khâu, nhiều nơi trong đó có sự hậu thuẫn của một số quan chức thuộc Bộ Y tế và Bộ KH-CN.

Bộ Công an kiến nghị gì qua vụ án Việt Á? 1
Các bị can Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Phan Quốc Việt (từ trái qua)

Sai phạm xảy ra tại nhiều khâu như phê duyệt nhiệm vụ, phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, đơn vị phối hợp; kinh phí, theo dõi sử dụng và thanh toán kinh phí; quản lý thực hiện đề tài, xử lý kết quả thực hiện đề tài...

Nội dung thuyết minh đề tài không có thông tin về quyền, nghĩa vụ của Bộ KH-CN, Học viện Quân y, Công ty Việt Á không có phương pháp phối hợp, phương pháp chuyển giao kết quả nghiên cứu, quyền sở hữu trí tuệ…

Về phía Bộ Y tế, cơ quan này thiếu kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý nhà nước về sinh phẩm y tế, hiệp thương giá, kiểm tra giá hiệp thương; không quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cá nhân trong hiệp thương giá, thời hạn ban hành kết luận kiểm tra giá.

Ngoài 2 bộ nêu trên, cơ quan điều tra còn xác định một phần nguyên nhân xảy ra sai phạm thuộc về các đơn vị, địa phương trong quá trình mua kit test, vật tư, sinh phẩm y tế của Công ty Việt Á.

Các đơn vị này chưa kịp thời phân bố dự toán thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế còn hạn chế, nhất là trong các trường hợp thiên tai, ngân sách thực hiện; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ về đấu thầu, mua sắm thiết bị vật tư sinh phẩm y tế còn hạn chế, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, địch họa.

Qua đó, Bộ Công an kiến nghị 7 nội dung:

Thứ nhất, Bộ KH-CN và Bộ Y tế cần nâng cao năng lực kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, kiểm soát hoạt động của các cơ quan chuyên môn đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.

Thứ hai, Bộ KH-CN cần rà soát cơ cấu tổ chức và các văn bản pháp luật liên quan, chủ động hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi theo hướng có cơ quan chuyên trách quản lý nhiệm vụ KH-CN.

Thứ ba, Bộ Y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi sai phạm trong công tác cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm y tế; phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan có biện pháp quản lý giá đối với các vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm.

Thứ tư, Bộ KH-ĐT và các bộ, ngành có liên quan chủ động hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn việc thực hiện chỉ định thầu rút gọn trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, địch họa... ; nhất là các gói thầu có giá trị lớn, chưa được phân bổ dự toán ngân sách thực hiện.

Thứ năm, các tỉnh, thành phố cần chủ động kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị, cơ sở y tế công lập trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư y tế. Cùng với đó là đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ mua sắm, đấu thầu cho cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế, phòng ngừa các vi phạm, tội phạm.

Thứ sáu, Bộ Tài chính xem xét xử lý hành chính đối với các công ty thẩm định giá có sai phạm (đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá...).

Thứ bảy, ngoài các bị can đã bị đề nghị truy tố, Bộ Công an kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi liên quan nhưng chưa đủ hoặc chưa đến mức xử lý hình sự.

Bình luận