Theo Bộ trưởng Phớc, thời gian qua, Bộ Tài chính thực hiện quyết liệt thu thuế sàn thương mại điện tử. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế và thực hiện mở cổng thông tin điện tử của sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Chia sẻ với Bộ Công Thương 929 sàn thương mại điện tử, kiểm tra đối chiếu 361 sàn thương mại điện tử để thực hiện kết nối. Bộ cũng cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước 144 triệu tài khoản, gồm 10 triệu tài khoản tổ chức và 134 triệu tài khoản cá nhân tại 96 ngân hàng.
Kết quả theo ông Phớc, năm 2022 thu được 83.000 tỷ đồng, năm 2023 là 97.000 tỷ đồng và 5 tháng đầu năm nay đã thu được là 50.000 tỷ đồng.
Đặc biệt đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài, tập đoàn công nghệ nước ngoài như Facebook, Google, Microsoft, Tik Tok… thực hiện đăng ký và nộp thuế trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn thương mại xuyên biên giới. Các đơn vị này đã nộp được 15.600 tỉ đồng về thuế thương mại điện tử.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói: "Sắp tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh đồng bộ thu thuế sàn thương mại điện tử, giao dịch ở môi trường điện tử, trọng tâm tại Hà Nội và TPHCM. Ngành thuế cũng có công văn tới các tỉnh chỉ đạo cơ quan thuế thực hiện thu thuế trên sàn thương mại điện tử, đảm bảo thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước".
Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về việc livestream bán hàng trên Tiktok có doanh thu một ngày lên đến "hàng trăm tỷ đồng" là thật hay ảo?
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, cần phải có chế tài xử lý vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những giải pháp để bảo vệ người tiêu dùng.
Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về việc livestream bán hàng trên một số mạng xã hội Tiktok có doanh thu một ngày có thể lên đến "hàng trăm tỷ đồng" - một con số rất lớn.
Đại biểu đặt câu hỏi: "Bộ Công Thương nhận định thế nào về thực trạng này? Việc livestream có doanh thu "trăm tỷ đồng" thật hay ảo? Việc xử lý và quản lý làm sao để chống thất thu thuế?"
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc quản lý hoạt động bán hàng trên môi trường thương mại điện tử nói chung, cũng như livestream bán hàng nói riêng, thực sự khó khăn.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, trách nhiệm quản lý không chỉ của ngành Công Thương mà còn là trách nhiệm của rất nhiều ngành.
Ông Diên nêu ra giải pháp là cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, trong đó Bộ Công Thương có vai trò chủ trì phối hợp. Trọng tâm là lực lượng quản lý thị trường thực hiện đấu tranh và làm rõ hành vi sai phạm, tìm các địa điểm đối tượng này tập kết hàng hóa, giao dịch để kiểm tra, kiểm soát và xử lý...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, vì hoạt động này "biến hóa khôn lường" nên các quy định pháp luật của chúng ta phải tiếp tục được rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bởi đây là lĩnh vực mới không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Trường hợp chứng minh được vi phạm pháp luật sẽ xóa vĩnh viễn các trang này, hoặc yêu cầu chủ phòng livestream chịu trách nhiệm trước pháp luật, sẽ từng bước giảm tình trạng này.