Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp sáng 10/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất 6 giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng trưởng mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động nhanh, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối tư nhân, cần phát huy vai trò chủ động, sáng tạo để đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế. Theo ông, mục tiêu đặt ra trong thời gian tới đòi hỏi sự quyết tâm cao, hành động quyết liệt từ Chính phủ và sự đồng lòng của doanh nghiệp.

Trên tinh thần đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 6 nhóm giải pháp quan trọng.
Thứ nhất, cần có sự thống nhất cao về nhận thức đối với vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp tư nhân. Việc phát triển mạnh khu vực này sẽ trở thành động lực chính giúp tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ hai, cải cách thể chế là yếu tố "đột phá của đột phá". Theo Bộ trưởng, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật theo hướng "kiến tạo phát triển", tránh tình trạng "không quản được thì cấm". Mô hình quản lý cần chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", đi đôi với tăng cường giám sát. Cải cách hành chính cũng phải được đẩy mạnh nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng nhấn mạnh việc ưu tiên xử lý khó khăn trong các lĩnh vực bất động sản, giao thông, năng lượng tái tạo… trước mắt là tại các trung tâm kinh tế lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Đồng thời, các cơ chế thí điểm, chính sách đặc thù cũng cần được mở rộng để tạo thêm động lực phát triển.
Thứ ba, tập trung khai thác và huy động mọi nguồn lực. Nhà nước cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn công để kích hoạt và dẫn dắt nguồn lực xã hội đầu tư vào các dự án trọng điểm như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, điện gió ngoài khơi, trung tâm dữ liệu quốc gia…
Bên cạnh đó, cần tận dụng các không gian phát triển mới như không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ để mở rộng tiềm năng kinh tế. Việc hình thành các trung tâm tài chính khu vực, khu thương mại tự do cũng là một trong những hướng đi chiến lược.
Thứ tư, xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng. Theo Bộ trưởng, Việt Nam cần sớm xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế ưu đãi cho các ngành công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn… Đồng thời, các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia cần được đầu tư bài bản, kết nối chặt chẽ với hệ sinh thái khởi nghiệp trong và ngoài nước.
Thứ năm, xây dựng doanh nghiệp dân tộc có quy mô lớn để dẫn dắt chuỗi giá trị trong nước và mở rộng thị trường quốc tế. Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI.
Thứ sáu, mở rộng thị trường và kích cầu tiêu dùng. Chính phủ cần thúc đẩy hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt", đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng xuất khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các doanh nghiệp phải "tiên phong trong đổi mới sáng tạo, tăng tốc và bứt phá trong tăng trưởng", đồng hành cùng Chính phủ thực hiện khát vọng phát triển đất nước.
Bộ trưởng nhấn mạnh, các doanh nghiệp lớn cần thể hiện vai trò "doanh nghiệp dẫn đầu", không chỉ tạo động lực tăng trưởng mà còn giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển theo chuỗi giá trị. Đồng thời, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cũng cần phát huy vai trò cầu nối, phản ánh kịp thời khó khăn của doanh nghiệp lên các cơ quan có thẩm quyền.