Tiêu điểm: Nhân Humanity

Các biện pháp xử lý với người vị thành niên phạm tội phải nhân đạo nhưng không được dễ dãi

VOH - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đề nghị các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội phải mang tính nhân đạo, nhưng không được thể hiện sự dễ dãi.

Sáng 21/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đánh giá, đây là lần đầu tiên có một dự án luật chuyên biệt về tư pháp hình sự dành cho người chưa thành niên.

Bà Mai Thị Phương Hoa cũng lưu ý, ngoài việc xử lý có tính hướng thiện, tạo cơ hội sửa chữa lỗi lầm, thể hiện tinh thần nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội thì nhiệm vụ của luật này còn phải bảo đảm trật tự an toàn xã hội và bảo vệ nạn nhân, nhất là nạn nhân là người chưa thành niên.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp viện dẫn ý kiến của một chuyên gia về pháp luật hình sự nêu: Các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội phải mang tính nhân đạo, tuy nhiên không được thể hiện sự dễ dãi. Bởi nếu quá dễ dãi sẽ làm hỏng nhân cách khi người chưa thành niên đến tuổi trưởng thành. Bà Hoa đề nghị các điều khoản trong luật này cần thể hiện xuyên suốt được tinh thần trên.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa lưu ý thêm về nội dung khác trong dự thảo về việc cho phép người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng được chuyển hướng tại 9 tội danh, trong đó có tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.

Bà Hoa đề nghị cân nhắc việc xử lý chuyển hướng đối với 2 tội danh này. Lý do, Bộ luật Hình sự hiện hành không cho phép xử lý chuyển hướng đối với một số tội danh trong đó có 2 tội danh này do đã được Quốc hội thảo luận, xem xét kỹ lưỡng năm 2015.

216hoa-5150
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) - Nguồn: Tiền Phong

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trong dự thảo, nội dung này có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cả ba cơ quan là cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án đều có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giao thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng tất cả các biện pháp xử lý chuyển hướng cho tòa án.

Đại biểu Phương Hoa đề xuất phương án khác: Cả ba cơ quan trên đều có thẩm quyền đề xuất biện pháp xử lý chuyển hướng ở cả giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Nhưng thay vì từng cơ quan tự quyết định thì đều phải đưa ra xem xét tại phiên họp do tòa án chủ trì và tòa án là cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Theo đại biểu, phương án này vừa bảo đảm biện pháp xử lý chuyển hướng có thể được xem xét, áp dụng ở mọi giai đoạn của quá trình tiến hành tố tụng, vừa bảo đảm được các cơ quan có thẩm quyền xem xét chặt chẽ, minh bạch và thống nhất, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng nhấn mạnh trước xu hướng tội phạm trẻ hoá như hiện nay, nên cân nhắc cẩn trọng để khi luật được ban hành, vừa đảm bảo tính nhân văn và tạo điều kiện để người chưa thành niên phạm tội nhận thức, khắc phục, sửa chữa sai lầm, nhưng vẫn phải có tính giáo dục và răn đe nghiêm khắc.

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp chuyển hướng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị nên quy định chỉ toà án có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, bởi đây là những biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Theo đại biểu, toà án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành bản án để xác định người nào đã phạm tội gì, thuộc điều khoản nào, với lỗi vô ý hay cố ý, thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng, nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng để có căn cứ xác định có thuộc trường hợp được áp dụng xử lý chuyển hướng hay không.

Bình luận