Chờ...

Cải cách tài chính y tế vì sức khỏe cộng đồng

(VOH) - Sáng 23/8, Hội nghị SOM 3 và các cuộc họp liên quan tiếp tục với nội dung trọng tâm là cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế với chủ đề ”Cải cách tài chính y tế vì sức khỏe cộng đồng hướng tới phát triển bền vững".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị.

Cuộc họp diễn ra trong 1 ngày rưỡi từ 23 đến 24/8 với mục tiêu nhằm thông qua các chiến lược, chính sách về y tế trong khu vực APEC, phê duyệt kế hoạch hoạt động của các nhóm công tác chuyên ngành, thảo luận và giải quyết các vấn đề y tế nổi bật của khu vực APEC, tăng cường hợp tác song phương về y tế với các đối tác chủ chốt và các đối tác phát triển với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong khu vực.

Phát biểu khai mạc tại cuộc họp cao cấp về Y tế và Kinh tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh về những thách thức của thế giới đối với con người, đặc biệt về sức khỏe. Đó là về dịch bệnh mới, lan truyền nhanh, đặc biệt là quá trình già hóa dân số nhanh, sức ép của cuộc sống xã hội hiện đại bên cạnh những mặt tích cực thì không ít những mặt tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe, xuất hiện ngày càng nhiều những bệnh nghề nghiệp, bệnh mới về thần kinh, trầm cảm, tự kỷ.

Châu Á đang đối mặt nhiều những vấn đề liên quan đến sức khỏe con người ở mức độ trầm trọng hơn với châu Âu. Sức ép của các nền công nghiệp mới, sức ép của cuộc sống dẫn đến nguy cơ đối mặt với sức khỏe. Tuy nhiên, người dân vẫn còn đang thờ ơ với việc phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe y tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Sức khỏe là vốn quý của con người và đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển. Do đó, để bảo đảm đầu tư cho y tế, thì phải bảo đảm tài chính cho y tế. Việt Nam là nước đang phát triển, nhưng luôn đặc biệt chú trọng đến vấn đề y tế và bảo vệ sức khỏe người dân.

Với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia thành viên, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ và mục tiêu chăm sóc sức khỏe, kiểm soát cơ bản được dịch bệnh và vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế và tự rèn luyện chăm lo cho sức khỏe.

Việt Nam đã bao phủ 82% dân số tham gia bảo hiểm và 16 triệu hợp đồng bảo hiểm sức khỏe cho nhân dân và phấn đấu cơ bản mọi người đều tham gia các hình thức bảo hiểm khác nhau. Chính phủ đã dành khoản ngân sách lớn để hỗ trợ cho người nghèo, người già, trẻ nhỏ, người yếu thế.

Tỷ lệ ngân sách nhà nước hỗ trợ cho quỹ bảo hiểm y tế khoảng 42%, đồng thời phát triển hệ thống y tế rộng khắp. Đến nay, đã thiết lập trên 12.000 trạm y tế ở các xã và trên 134.000 thôn bản đều có cộng tác viên về y tế chăm sóc sức khỏe. Nhờ đó các chỉ số về sức khỏe của trẻ em như tỷ lệ trẻ em tử vong, suy dinh dưỡng, đều giảm nhanh, tuổi thọ được nâng lên.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu khai mạc

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đứng trước thách thức, làm sao có hệ thống chính sách bảo hiểm sức khỏe toàn dân, thay đổi cách chi tiêu trong y tế, từ chữa bệnh sang phòng bệnh, tránh lạm dụng thuốc, tăng cường dược phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên có lợi cho con người, đầu tư cơ sở chăm sóc sức khỏe cho con người. Từ đó, đặt ra yêu cầu là đổi mới cơ chế tài chính về y tế và Việt Nam đang chuẩn bị chương trình tổng thể về y tế để cuối năm bàn thống nhất đưa ra định hướng giải pháp thích hợp trong thời gian tới.

Tại buổi thảo luận, bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế đã trình bày một số thách thức và giải pháp để Việt Nam hướng tới bảo hiểm toàn dân, đầu tư tài chính hiệu quả cho y tế. Hệ thống bảo hiểm y tế được triển khai từ năm 1992 và bao phủ được 82% dân số.

Những năm gần đây, Việt Nam cũng đầu tư đáng kể vào hạ tầng, nhân lực y tế để thúc đẩy việc tiếp cận bình đẳng công bằng hơn các dịch vụ y tế cho người dân. Từ đó tạo ra những thay đổi tích cực tới sức khỏe và tuổi thọ của người dân.

Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với vấn đề về tài chính y tế như: chi tiêu tiền túi cho y tế cao, khu vực phi chính phủ lớn, tiếp cận kém tới các dịch vụ y tế nông thôn, hệ thống tập trung vào bệnh viện, hiệu quả sử dụng nguồn lực chăm sóc sức khỏe còn thấp, chủ yếu tập trung vào dịch vụ điều trị, không đủ cung cấp cho hoạt động dịch vụ dự phòng và nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Các đại biểu tham dự sự kiện

Cuộc họp lần này nhằm thảo luận làm rõ các nội dung về thách thức cơ bản trong việc huy động đủ nguồn ngân sách công cho y tế và các chiến lược sử dụng nguồn ngân sách hiệu quả. Bên cạnh đó, làm thế  nào đo lường lợi ích đầu tư công cho y tế để APEC ưu tiên cho y tế trong tổng ngân sách chung của Chính phủ; phát hiện và khai thác sáng kiến mở rộng tiếp cận với các dịch vụ y tế công và tư của các nền kinh tế APEC một cách bền vững, các sáng kiến và quan hệ đối tác được tiến hành để đạt mục tiêu trong chương trình vì một “”Châu Á-Thái Bình Dương khỏe mạnh”” năm 2020.