Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cần ngăn cấm việc mua bán bào thai khi đang trong bụng mẹ

VOH - Sáng 28/8, tiếp tục chương trình Hội nghị, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phân tích, tại Khoản 22, Điều 3 giải thích từ ngữ của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác. Như vậy, vẫn có trường hợp mua bán bào thai được pháp luật công nhận.

Đại biểu Mai đề nghị, có thể quy định tại Khoản 2, Điều 3 cụ thể hơn, mua bán bào thai, thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai mà không được sự đồng ý của người mẹ hoặc mua bán bào thai, thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai, trừ trường hợp quy định tại Khoản 22, Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình.

mua-ban-nguoi-280824
Cần xem xét và có giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ - Ảnh minh họa

Các đại biểu bày tỏ thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Nhiều đại biểu cho biết, việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý.

Hiện nay xuất hiện hành vi mới trong đời sống xã hội là buôn bán thai nhi trong bụng mẹ nên đề nghị dự thảo Luật cân nhắc điều chỉnh hành vi mới phát sinh trong thực tiễn về mua bán người.  

Các đại biểu phân tích, dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ có con rồi bán cũng là hành vi phải quy định là hành vi buôn bán người và có dấu hiệu phạm tội của mua bán người.

Tuy nhiên, thực tế pháp luật hiện nay chưa quy định nên không có cơ sở xem xét. Bộ luật Hình sự 2015 cũng như pháp luật về phòng, chống mua bán người cũng chưa có quy định nào về vấn đề trên.

Do đó, các đại biểu cho rằng, trong lần sửa đổi Luật lần này, Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét có giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ trước tình hình mua bán thai nhi đang diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi như trong giai đoạn hiện nay.

Bình luận