Chờ...

Chính phủ đề nghị Quốc hội chưa tăng lương từ ngày 1/7/2020

(VOH) - Thủ tướng đề nghị Quốc hội cân nhắc chưa tăng lương cơ sở với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu từ 1/7/2020 để chia sẻ khó khăn với người lao động.

Trước đó, theo nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8 vào cuối năm 2019, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu sẽ tăng lên 1,6 triệu đồng một tháng từ 1/7. Mức này tăng khoảng 110.000 đồng so với năm 2018 (tương đương 7%). 

Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, sáng ngáy 20/5, Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét loạt cơ chế đặc thù trong tình hình mới.

Quốc hội

Toàn cảnh khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV (Ảnh: quochoi.vn).

Theo Thủ tướng, những tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch Covid-19. Kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái; các nước, đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hầu hết ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội (KTXH) ngưng trệ.

Tuy nhiên, chúng ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động KTXH và bảo đảm đời sống của nhân dân.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, trường học đã kịp thời đổi mới phương thức làm việc, vừa thực hiện tốt việc giãn cách xã hội, vừa bảo đảm hoạt động bình thường, hiệu quả với hình thức họp trực tuyến, xử lý công việc trên môi trường mạng; đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán điện tử...

Hệ thống thông tin điện tử một cửa, cổng dịch vụ công quốc gia, cấp bộ, ngành, địa phương từng bước phát huy hiệu quả trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với công tác chống dịch trong nước, Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các quốc gia, các tổ chức của Liên Hợp Quốc, nhất là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong nghiên cứu, triển khai, hoàn thiện phác đồ điều trị, nghiên cứu vắc-xin... Chúng ta đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ quý báu sẻ chia từ nhiều quốc gia bạn bè, cộng đồng quốc tế với số tiền mặt, hiện vật, trị giá gần 15 triệu USD và khả năng tiếp cận các nguồn vay tín dụng ưu đãi từ các tổ chức quốc tế. 

Đồng thời, lãnh đạo nhiều quốc gia cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ, chữa trị cho công dân nước họ, đánh giá cao trình độ y tế, kinh nghiệm của ta trong phát hiện, cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19… Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đã thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân và kịp thời thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Về tăng trưởng kinh tế, ông nhìn nhận, mục tiêu tăng GDP 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được. Vì thế Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP, thu - chi ngân sách, bội chi, nợ công... Các chỉ tiêu cụ thể sẽ được cơ quan này báo cáo Quốc hội sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Thủ tướng nhấn mạnh, đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới, thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư.

Ông cho biết, Chính phủ sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt bằng để chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia gắn với chuỗi giá trị và chuyển giao công nghệ tiên tiến.

Cùng với việc thực hiện nhanh, hiệu quả, kịp thời các cơ chế, chính sách đã được ban hành, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới.

Trước hết, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn.

Thứ hai, cho chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn NSNN, bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả (do việc huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án đối tác công tư rất khó khăn).

Thứ ba, miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Thứ tư, đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Thứ năm, đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc việc kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021; trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2022 - 2025 cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.

Đồng thời, Chính phủ tiếp tục xây dựng và đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu; kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết bước vào năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và nhanh chóng trở thành đại dịch, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội của toàn cầu và Việt Nam. Dịch bệnh đã làm hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, giao thương, đầu tư bị gián đoạn; các hoạt động xã hội, nhất là y tế, giáo dục - đào tạo, du lịch, văn hóa… và đời sống của nhân dân cũng bị ảnh hưởng.

Cùng với đó, nước ta còn chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai diễn ra cực đoan, bất thường gây thiệt hại lớn ở nhiều khu vực trong cả nước, như tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, giông lốc, mưa đá…

Song đến nay, bước đầu chúng ta đã cơ bản kiểm soát được bệnh dịch, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, bảo đảm sự an toàn về tính mạng và sức khỏe của người dân. Các giải pháp ứng phó của Việt Nam được các quốc gia, tổ chức quốc tế đánh giá cao và ghi nhận là điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

“Giữa bối cảnh đại dịch và kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, nhiều nước tăng trưởng âm, tốc độ tăng trưởng GDP quý I của nước ta vẫn đạt khoảng 3,82%; an sinh xã hội, đời sống của người dân vẫn được bảo đảm; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, góp phần vào thành công của kỳ họp này.

“Kỳ họp thứ 9 sẽ là một kỳ họp đặc biệt, ghi dấu của sự đổi mới, tinh thần đoàn kết, quyết tâm, tạo động lực để đất nước và Nhân dân ta vượt qua khó khăn, để tiếp tục tiến bước”, bà Ngân nói.