Quy định mới về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước
Chính phủ ban hành Nghị định 44/2025/NĐ-CP ngày 28/2/2025 quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước.Nghị định quy định rõ các nguyên tắc quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng.
Lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp được xác định gắn với nhiệm vụ, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường.
Thực hiện cơ chế tiền lương phù hợp để doanh nghiệp thu hút, khuyến khích đội ngũ nhân lực công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ cao được Nhà nước ưu tiên phát triển.
Nhà nước thực hiện quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp; đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho người đại diện phần vốn nhà nước để tham gia, biểu quyết, quyết định tại cuộc họp của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông.
Thực hiện tách bạch tiền lương, thù lao của Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên với tiền lương của Ban điều hành.
Nghị định quy định Quỹ tiền lương của người lao động và Ban điều hành được xác định theo các phương pháp sau: Xác định quỹ tiền lương thông qua mức tiền lương bình quân; xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định.
Phương pháp này chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp đã có thời gian hoạt động ít nhất bằng thời gian dự kiến áp dụng đơn giá tiền lương ổn định.
Nghị định 44/2025/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/4/2025.
Tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động
Thông tư 03/2025/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/4/2025.
Theo đó, Thông tư này quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động.
Điều kiện lao động gồm 6 loại: I, II, III, IV, V, VI.
Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại I, II, III là nghề, công việc không nặng nhọc, không độc hại, không nguy hiểm; nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại IV là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại V, VI là nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm
Chính phủ ban hành Nghị định 60/2025/NĐ-CP ngày 3/3/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Nghị định 60 được ban hành nhằm khắc phục các hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 116, đồng thời tiếp tục kế thừa các kết quả đã đạt được trong thực hiện chính sách hỗ trợ, thu hút sinh viên giỏi, tâm huyết vào học và làm việc, cống hiến cho ngành giáo dục.
Nghị định 60/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 9 Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về thu hồi kinh phí hỗ trợ.
Hằng năm, căn cứ vào kết quả rèn luyện, học tập của sinh viên sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên thông báo danh sách sinh viên sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học do UBND cấp tỉnh nơi sinh viên thường trú hoặc cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng để thông báo thu hồi kinh phí đã hỗ trợ cho sinh viên sư phạm.
Đối với sinh viên sư phạm được hỗ trợ kinh phí theo hình thức giao dự toán thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí, trước ngày 30/12 hằng năm căn cứ vào Giấy xác nhận thời gian công tác trong ngành giáo dục của sinh viên sư phạm, UBND cấp tỉnh nơi sinh viên thường trú rà soát, theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ để sinh viên sư phạm thực hiện nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn theo quy định.
Đối với sinh viên sư phạm được hỗ trợ kinh phí theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ để sinh viên sư phạm thực hiện nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn theo quy định.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền, sinh viên thuộc đối tượng bồi hoàn kinh phí phải có trách nhiệm liên hệ với cơ quan ra thông báo thu hồi kinh phí bồi hoàn để làm thủ tục bồi hoàn kinh phí hỗ trợ.
Thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tối đa là 4 năm, kể từ khi sinh viên sư phạm nhận được thông báo bồi hoàn kinh phí.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/4/2025 và áp dụng bắt đầu từ năm học 2025-2026.
Quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy
Chính phủ ban hành Nghị định 23/2025/NĐ-CP quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy.Nghị định này quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, trừ chữ ký số chuyên dùng công vụ và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp hoặc có liên quan đến chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy.
Theo Nghị định 23/2025/NĐ-CP, từ ngày 10/4, chứng thư chữ ký điện tử được phân loại như sau: Chứng thư chữ ký số gốc của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia tự cấp tương ứng với từng loại dịch vụ tin cậy.
Chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia cấp cho tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy tương ứng với từng loại dịch vụ tin cậy.
Chứng thư chữ ký số công cộng là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp cho thuê bao.
Chứng thư chữ ký điện tử chuyên dùng là chứng thư chữ ký điện tử do cơ quan, tổ chức tạo lập chữ ký điện tử chuyên dùng cấp.
Cũng theo nghị định, chữ ký số công cộng là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công cộng, được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số công cộng và đáp ứng đủ các yêu cầu quy định Luật Giao dịch điện tử.
Nghị định nêu rõ, tất cả các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật được thành lập và hoạt động hợp pháp đều có quyền được cấp, phát hành chứng thư chữ ký số.
Chứng thư chữ ký số cấp cho người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức phải nêu rõ chức danh và tên cơ quan, tổ chức của người đó.Sử dụng chữ ký số và chứng thư chữ ký số của cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2025.