Chờ...

Chương trình giảm ngập đô thị: Cần coi trọng giải pháp phi công trình

(VOH) - Từ đầu năm đến nay, nhiều điểm ngập trên địa bàn TP.HCM đã được xóa. Đó là kết quả của việc thực hiện nhiều giải pháp chống ngập mà thành phố đã và đang triển khai thực hiện trong thời gian qua.

Mưa ngập làm kẹt xe kéo dài trên một số tuyến phố. Ảnh: VNN

Tuy nhiên, để việc chống ngập mang tính bền vững, cần có nhiều giải pháp đồng bộ và lâu dài. Ngoài những giải pháp công trình đang triển khai thi công như lắp đặt van ngăn triều, trạm bơm, duy tu nạo vét cống thoát nước, kênh rạch, cửa xả… thì những giải pháp phi công trình cũng cần được quan tâm và coi trọng, đó là việc nâng cao vai trò lãnh đạo điều hành của các cơ quan chính quyền, tuyên truyền vận động người dân có ý thức chung trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường để hoàn thành nhiệm vụ giảm ngập chung của thành phố.  

Những năm gần đây, Trung tâm điều hành chống ngập nước TPHCM đã tiến hành nhiều giải pháp cấp bách như lắp đặt 615 van ngăn triều, 28 trạm bơm có công suất từ 1.000 đến 64.000 m3/giờ, duy tu nạo vét 1.260 km cống thoát nước, 6,5 km kênh rạch, cửa xả, thay mới 510m cống xuống cấp, hư hỏng và đầu tư xây dựng nhiều công trình thoát nước, giải quyết môi trường… đã kéo giảm được tình hình ngập nước ở nhiều khu vực, tuyến đường và tạo cảnh quan mới cho đô thị. Tuy nhiên, trong mùa mưa năm 2012 và đặc biệt vào những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua xảy ra nhiều đợt triều cường và mưa to với trữ lượng lớn đã làm cho nhiều khu vực, tuyến đường ở các quận Tân Phú, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp, quận 4, quận 8 ngập nặng. Tại những tuyến đường này có nơi ngập trên 0,35 m như ở bùng binh Cây Gõ (quận 6), đường An Dương Vương, Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), Bình Quới (quận Bình Thạnh), Bến Mễ Cốc, Lương Định Của, Phú Định (quận 8). Mưa kết hợp với triều cường còn gây ngập nặng từ 0,15m đến 0,20 m ở đường Thảo Điền, Quốc Hương (quận 2). Một số tuyến đường xung quanh bùng binh Cây Gõ và một số tuyến đường ở quận Tân Phú chìm sâu trong nước. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là do nhà thầu thực hiện dự án Tân Hóa - Lò Gốm chặn dòng thoát nước, nước không tiêu thoát được. Chị Lê Thị Hoa, sinh sống và làm ăn tại phường 3 quận 11 gần kênh Tân Hóa - Lò Gốm bức xúc:

Và còn nhiều kênh rạch khác, chẳng hạn như kênh Hiệp Tân chảy qua khu vực quận Tân Phú, quận 6, quận Bình Tân không còn khả năng tiêu thoát nước do tình trạng lấn chiếm xây nhà và xả rác xuống kênh làm tắt nghẽn dòng chảy của con kênh. Các kênh rạch khác đang trong quá trình thi công như dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên cũng bị ngập cục bộ ở nhiều tuyến đường xung quanh. Đó là chưa kể có nhiều nhà thầu trong khi tổ chức thi công xây dựng hoặc sửa chữa hệ thống cống thoát nước, thay đổi tiết diện đường kính cống không đúng với thiết kế gây ra hiện tượng làm cản trở dòng chảy của nước từ đường cống này qua đường cống khác.

Sự thiếu phối hợp thi công, thiếu tăng cường giám sát công trình đang thi công là một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả ngập nước như hiện nay. Ông Võ Thành Dũng - Trưởng Phòng Quản lý Đô thị quận 4 cho rằng, song hành với giải pháp công trình, cũng cần phải quan tâm và coi trọng giải pháp phi công trình. Chính vì thời gian qua chúng ta thiếu sự quan tâm đó nên mới xảy ra nhiều điểm ngập nước phát sinh không lường trước được trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Vì thế ông Dũng kiến nghị:

Ông Dương Hồng Thắng - Trưởng Phòng Quản lý Đô thị quận Bình Thạnh cũng đề nghị:

Theo ông Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm Quản lý Nước - Biến đổi khí hậu Đại học quốc gia TPHCM, các ngành liên quan chung tay với Trung tâm Điều hành Chống ngập nước thành phố, kể cả người dân cũng phải có nhận thức mới trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay thì các giải pháp phi công trình mới có kết quả cao. Các giải pháp này còn giúp cho chuyên ngành chống ngập nước thành phố nâng cao được năng lực quản lý, điều hành hệ thống thoát nước và thực hiện hiệu quả chương trình giảm ngập của thành phố. Đặc biệt là ngay từ bây giờ phải xem trọng công tác quy hoạch gắn với kiểm soát triều trên địa bàn thành phố và đối phó với tình hình diễn biến ngập nước của đô thị. Hiện nay, người dân và doanh nghiệp sinh sống làm ăn kinh tế dọc theo các công trình dù đã xây dựng xong cũng không nên chủ quan vì các công trình này là chỉ để ứng phó chứ không phải là bền vững. Do đó ông Hồ Long Phi khuyến cáo:

Đã đến lúc phải xem và coi trọng các giải pháp phi công trình tiến hành song song với các giải pháp công trình trên cơ sở lập quy hoạch dài hơi và tổng thể hơn thì mới thực hiện tốt chương trình giảm ngập đô thị. Đồng thời các quận, phường, xã hoặc thanh tra chuyên ngành phải kiên quyết hơn, xử lý mạnh tay hơn những trường hợp nhà thầu trong quá trình xây dựng công trình làm thay đổi dòng chảy của cống thoát nước, nạn lấn chiếm bờ sông rạch trên hệ thống thoát nước, nạn xả rác xuống kênh rạch, không để tình trạng này ngày càng nghiêm trọng và phát sinh thêm làm tắt nghẽn dòng chảy kênh rạch. Có kiên quyết như thế mới góp phần cải thiện hơn nữa tình hình ngập nước ở các khu vực, tuyến đường thường bị ngập nước do mưa, triều cường và tác động của tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.