Tuy nhiên, đã bắt đầu ghi nhận tình trạng một bộ phận người dân “nhờn luật”, không chấp hành quy định dù biết rõ mức xử phạt đã tăng nặng.
Theo thống kê, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 728.818 trường hợp vi phạm TTATGT, giảm 341.519 trường hợp (tương đương 31,9%) so với cùng kỳ năm 2024.

Trong đó, tạm giữ 203.341 phương tiện, gồm 3.791 ô tô, 192.570 mô tô và 6.980 phương tiện khác; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe và chứng chỉ chuyên môn 50.973 trường hợp, trừ điểm 75.202 giấy phép lái xe.
Một số hành vi vi phạm có mức giảm đáng kể như:
-
Vi phạm nồng độ cồn: 149.931 trường hợp, giảm 46,5%
-
Vi phạm tốc độ: 168.598 trường hợp, giảm 35,4%
-
Người điều khiển phương tiện có chất ma túy: 994 trường hợp, giảm 36,3%
-
Quá tải trọng, cơi nới thành thùng: 10.675 trường hợp, giảm gần 50%
-
Chở quá số người quy định: 5.444 trường hợp, giảm 63,1%
-
Không chấp hành tín hiệu đèn giao thông: 9.131 trường hợp, giảm 36,6%
Ngoài ra, CSGT cũng xử phạt 30.296 trường hợp vi phạm phần đường, làn đường; 64.764 trường hợp không đội mũ bảo hiểm; 424 phương tiện quá hạn kiểm định…
Về tai nạn giao thông (TNGT), cả 3 tiêu chí đều giảm mạnh. Trong quý I/2025, cả nước xảy ra 4.440 vụ TNGT đường bộ, khiến 2.446 người tử vong và 3.026 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, giảm 1.821 vụ (-29,09%), 245 người chết (-3,91%) và 1.864 người bị thương (-29,77%).
Dù vậy, xuất hiện tình trạng “nhờn luật” ở một bộ phận nhỏ người tham gia giao thông, có dấu hiệu cố tình không chấp hành pháp luật dù đã biết rõ quy định và mức phạt mới. Đây là hiện tượng đáng lo ngại trong bối cảnh cả hệ thống đang nỗ lực xây dựng văn hóa giao thông hiện đại, an toàn.
Để chấn chỉnh, lực lượng CSGT sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm 6 nhóm hành vi vi phạm nghiêm trọng, như vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, chất kích thích, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường. Việc xử lý sẽ được thực hiện theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, nhằm tạo chuyển biến thực chất trong ý thức người tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, CSGT cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, vận hành hệ thống tín hiệu giao thông hiệu quả hơn, xử lý nhanh các điểm ùn tắc, đồng thời cải thiện quy trình sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe tại cơ sở, nâng cao chất lượng quản lý ngay từ đầu vào.
Dù kết quả ban đầu là rất tích cực, nhưng theo giới chuyên gia, để Nghị định 168 phát huy hiệu quả lâu dài, cần song song giữa xử phạt nghiêm minh và giáo dục bền bỉ, từ đó tạo ra văn hóa giao thông tự giác, văn minh và bền vững trong cộng đồng.