Cục này nhấn mạnh cần đảm bảo không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ hoặc hết hạn sử dụng đến tay người dân trong vùng ngập lụt.
Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tại các tỉnh bị ảnh hưởng như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi phối hợp đảm bảo cung cấp thực phẩm và nước uống an toàn.
Để giảm rủi ro ngộ độc thực phẩm, Cục khuyến khích người dân sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, dễ bảo quản như lương khô, mì gói, nước uống đóng chai và bổ sung các loại vitamin để tăng cường sức đề kháng.
Cục An toàn thực phẩm cũng đã đưa ra hướng dẫn chi tiết cho người dân về cách lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn, đồng thời cảnh báo không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn.
Các nguồn cấp nước bị ngập úng, như giếng khoan hoặc giếng khơi, phải được lọc và khử trùng trước khi sử dụng để đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Cùng với đó, các cơ quan y tế dự phòng, cơ sở điều trị và trạm y tế địa phương được yêu cầu tăng cường giám sát nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng.
Khi phát hiện các trường hợp rối loạn tiêu hóa hoặc nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, các đơn vị y tế cần xử lý kịp thời để giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Đặc biệt, Cục An toàn thực phẩm kêu gọi phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương để kiểm soát chặt chẽ chất lượng các sản phẩm lương thực, thực phẩm và nước uống được hỗ trợ.