Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đầu tư 20 tuyến đường kết nối Long An với TPHCM

(VOH) - Sáng 16/7, tại TPHCM diễn ra Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2007 - 2015 và phương hướng hợp tác giai đoạn 2016 - 2020 giữa TPHCM và tỉnh Long An.


TPHCM và Long An hợp tác cùng phát triển

Phát huy được tiềm năng và lợi thế

Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá: "Kế hoạch hợp tác kinh tế xã hội giữa hai địa phương, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp của hai địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các nội dung của chương trình hợp tác và đã đạt những kết quả nhất định trên những lĩnh vực công nghiệp xây dựng, nông nghiệp, các chương trình an sinh xã hội mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế cũng như văn hóa xã hội, phát huy được tiềm năng và lợi thế của hai địa phương, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu, xóa đói giảm nghèo và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, Long An là địa phương cung cấp lượng hàng hóa chủ lực cho TPHCM, các nguồn hàng hóa đối lưu đưa vào thành phố cũng đã được thực hiện theo 2 hướng.

Thứ nhất là các doanh nghiệp TPHCM đầu tư, thành lập các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt và trên cơ sở đó sản phẩm được đưa vào tiêu thụ tại thành phố, thứ hai các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh tại Long An tâp trung sản xuất và đưa vào tiêu thụ tại TPHCM.

Thứ hai là thực hiện chương trình kết nối cung cầu giữa 2 tỉnh để tạo điều kiện đưa sản phẩm của Long An vào tiêu thụ tại các hệ thống phân phối của TPHCM và từ TPHCM phát luồng đi cho các tỉnh thành khác.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An - Phạm Văn Rạnh cho rằng, tiềm năng thế mạnh của hai bên thực sự còn rất nhiều. Long An xác định TPHCM là động lực kinh tế, lợi thế giúp Long An phát triển. Lợi thế của Long An là giáp ranh TPHCM. Vì vậy, nếu TPHCM phát triển mạnh thì Long An sẽ phát triển theo. Long An sẽ tập trung mọi nguồn lực để đầu tư 20 tuyến đường kết nối với TPHCM, quyết tâm của Long An làm là để cùng TPHCM phát triển.

”Vùng trọng điểm của tỉnh Long An là tất cả các huyện giáp ranh với TPHCM, chúng tôi xác định đều là vùng trọng điểm, thì vùng này chúng tôi quy hoạch hầu hết là công nghiệp, dân cư đô thị, từ đây đến năm 2020 trong nội tại của Long An, dứt khoát chúng tôi có những cái kết nối hạ tầng giao thông ở các khu cụm công nghiệp với nhau phải được đồng bộ”, ông Phạm Văn Rạnh nói.

Phải thực hiện liên kết cứng

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cũng đánh giá cao kết quả hợp tác của 2 địa phương trong giai đoạn 2007-2015; và thống nhất các nội dung ký kết hợp tác giữa TPHCM – Long An giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa tương xứng với thế mạnh, tiềm năng của hai địa phương.

Mấu chốt của hợp tác giữa TPHCM và Long An là hợp tác vùng, nhưng việc liên kết này còn hạn chế. Nhiều việc vẫn chỉ mới xử lý ở dạng cục bộ, địa phương. Chưa có sự phân công, phân cấp, đó là biểu hiện của cục bộ địa phương. Trong khi Long An có lợi thế rất lớn vì nằm sát TPHCM nhưng chưa phát triển được. Long An phát triển được, cũng thúc đẩy Thành phố phát triển và ngược lại.

Do đó, cần phải có cơ chế điều phối vùng rõ ràng. Muốn giải quyết được những tồn tại này, trong thời gian tới hai địa phương cần phối hợp xử lý quy hoạch chung như: chức năng giao thông, đô thị, không gian. Lãnh đạo UBND TPHCM và UBND tỉnh Long An phải xử lý cơ chế liên kết vùng hiệu quả, từ đó kéo theo các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng liên kết vùng cùng phát triển.

”Chúng ta cần phải thực hiện được liên kết cứng bao gồm hạ tầng giao thông, viễn thông, năng lượng, hệ thống logistic… kết nối cứng này đi vào vấn đề cụ thể là trong 5 năm tới đây kết nối cứng giữa Long An và TPHCM làm được gì, sẽ hoàn thành”, Bí Thư Đinh La Thăng lưu ý.

Để phát huy những mặt thuận lợi cũng như tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội thông qua chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và tỉnh Long An, lãnh đạo hai địa phương đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương giai đoạn 2016-2020, với định hướng mới trên cơ sở tiềm năng và nguồn lực của hai bên, tạo cơ chế chính sách để huy động các thành phần kinh tế trong xã hội tích cực tham gia chương trình hợp tác ở nhiều lĩnh vực và hình thức khác nhau. Những định hướng này tạo tiền đề cho các ngành và các doanh nghiệp của hai địa phương chủ động ký kết hợp tác theo ngành, lĩnh vực; tích cực nghiên cứu, khảo sát và tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh tại tỉnh Long An và TPHCM.

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2007 – 2015, tỉnh Long An và TPHCM đã có sự phối hợp khá tốt trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư của hai bên; nhất là tỉnh Long An đã thúc đẩy tốt mối quan hệ với các tổ chức nước ngoài đóng trên địa bàn TPHCM thông qua các cuộc hội thảo, tọa đàm về xúc tiến đầu tư.

Đến cuối năm 2015, đã có 36 doanh nghiệp đến từ TPHCM được thành lập để xây dựng cơ sở hạ tầng ở 24 khu công nghiệp trên tổng diện tích hơn 8.200 ha, chiếm 80,7% tổng diện tích đất 28 khu công nghiệp đã quy hoạch của tỉnh Long An. Các doanh nghiệp này có vốn đầu tư thực hiện khoảng 14.900 tỷ đồng, chiếm 42% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngoài ra, có 15 doanh nghiệp đến từ TPHCM đầu tư 15 cụm công nghiệp, với tổng vốn đầu tư 6.726 tỷ đồng. Lũy kế đến cuối 2015, đã có khoảng 400 doanh nghiệp đầu tư thứ cấp từ TPHCM đến đầu tư ở các khu công nghiệp tỉnh Long An với số vốn khoảng hơn 43.710 tỷ đồng chiếm khoảng 96% tổng số vốn đăng ký.

Bình luận