Đăng nhập

Đề nghị Quốc hội tập trung giám sát cổ phần hóa DNNN

(VOH) - Cuối ngày làm việc hôm nay (31/5), các đại biểu Quốc hội (QH) đã thảo luận tại hội trường về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018.

Theo dự kiến, chương trình giám sát của Quốc hội trong năm 2018 sẽ tập trung xem xét, thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; Xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4.

Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đồng thời dự kiến giám sát 2 trong 4 chuyên đề: thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội; thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

img thumbXem toàn màn hình

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: VGP

Giám sát về chính sách dân tộc

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, đoàn Thanh Hóa ý kiến: "Giám sát nội dung về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chúng tôi rất đồng ý, cùng với đó là giám sát về chính sách đối với đồng bào dân tộc miền núi. Hiện nay đồng bào dân tộc có nhiều chính sách đáng ghi nhận nhưng tình hình thực tiễn đời sống của họ hết sức khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo hơn 20% và chiếm 50% số hộ nghèo cả nước. Tình hình dân trí, đời sống, dân số đều rất có vấn đề… Nếu chúng ta thực hiện giám sát này thì có thể làm căn cứ để báo cáo Trung ương là có thể nghiên cứu, xây dựng Luật về phát triển đồng bào dân tộc, miền núi."

Đồng tình với 2 chuyên đề giám sát mà đại biểu Bùi Sỹ Lợi lựa chọn, ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre dẫn chứng rõ hơn: theo thống kế của chương trình giám sát giai đoạn từ 2014 - 2017, đã có 25 cuộc giám sát tối cao của Quốc hội  nhưng chủ yếu thuộc các lĩnh vực: kinh tế và xây dựng nông thôn mới; quản lý nhà nước; xã hội, xây dựng pháp luật, tư pháp, giáo dục, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, cải cách thủ tục hành chính và bộ máy nhà nước cũng đã được tổ chức nhưng chưa có bất kỳ một cuộc giám sát nào về chính sách dân tộc được thực hiện.

"Chính sách dân tộc là một chính sách mang tính tổng hợp, kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh chứ không phải là vấn đề thông thường. Cho nên tôi tha thiết đề nghị Quốc hội tập trung vào 1 chuyên đề về kinh tế là cổ phần hóa DNNN và 1 chuyên đề về chính sách đồng bào dân tộc miền núi. Chúng ta sắp sửa làm Luật về phát triển dân tộc thì có thể lấy kết quả này để phục vụ cho công tác xây dựng Luật năm 2018 được hiệu quả hơn, khỏi chệch hướng", ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre góp ý.

Tiến độ sắp xếp, đổi mới DNNN còn chậm

Quốc hội cần phải giám sát chặt đối với việc cổ phần hóa DNNN theo lộ trình là nội dung được nhiều đại biểu đề nghị thực hiện. Theo đại biểu Hà Thị Lan, đoàn Bắc Giang, chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 cũng đã xác định: tái cơ cấu DNNN là 1 trong 3 trụ cột của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó nguồn vốn đầu tư rất lớn. Vì vậy, tái cơ cấu là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy vai trò dẫn dắt của nền kinh tế nhà nước, mở đường cho các nền kinh tế khác.

Thêm vào đó, tính đến tháng 10/2016, cả nước còn 718 DNNN với quy mô vừa và lớn, tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực then chốt, nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, theo kế hoạch thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020, DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ còn tập trung ở 12 lĩnh vực trọng yếu như đo đạc, bản đồ phục vụ quốc phòng an ninh, truyền tải điện, tìm kiếm cứu nạn, xổ số…

Đại biểu Hà Thị Lan cũng chỉ rõ: tiến độ sắp xếp, đổi mới DNNN hiện nay còn chậm, mới chỉ có 96,5% DNNN được cổ phần hóa với số vốn chỉ 8%, còn 92% vốn nhà nước chưa được cổ phần hóa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chưa thu hút mạnh mẽ nguồn vốn của tư nhân vào các lĩnh vực nhà nước, từ đó nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp như thất thoát vốn, tài sản nhà nước; lợi dụng chuyển tài sản nhà nước thành tài sản tư nhân. 

Trước những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, để tạo điều kiện cho việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nội dung, Văn phòng QH sẽ gửi phiếu xin ý kiến đến các vị đại biểu QH về các chuyên đề giám sát trong năm 2018, dự thảo Nghị quyết của QH về Chương trình giám sát của QH năm 2018. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu QH, sẽ lựa chọn 2 chuyên đề để Quốc hội giám sát tối cao, 2 chuyên đề sẽ giao cho Ủy ban thường vụ tổ chức giám sát và báo cáo với Quốc hội.

Về cách thức tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian tới làm sao cho hiệu quả hơn, dựa trên ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết: "Tại kỳ họp này, sau khi quyết nghị chuyên đề giám sát tối cao, QH sẽ ban hành nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề theo điều 16 Luật hoạt động giám sát của QH và HĐND. Trên cơ sở thảo luận lần này và kết quả phiếu xin ý kiến, Ủy ban TVQH sẽ chỉ đạo tổng thư ký QH và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018".

Ngày 1/6, các đại biểu sẽ nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này, sau đó cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Buổi chiều, Quốc hội sẽ nghe tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sau đó sẽ thảo luận ở tổ về các nội dung này.

Bình luận