Chờ...

Đề xuất đầu tư Quốc lộ 50B, nối TPHCM - Long An - Tiền Giang

VOH - Quốc lộ 50B dài 55 km nối TP HCM - Long An - Tiền Giang được đề xuất sớm triển khai theo quy hoạch để giảm tải cho quốc lộ 50 hiện hữu và tăng kết nối vùng.

Nội dung được đề cập trong báo cáo của Sở Giao thông vận tải TPHCM vừa gửi Bộ Giao thông vận tải về tình hình đầu tư các dự án trên trục giao thông đô thị TP.HCM - Long An - Tiền Giang.

Theo đó, quốc lộ 50B là tuyến giao thông kết nối TPHCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến đường có vai trò quan trọng trong việc tăng cường kết nối giao thông liên vùng, giảm tải cho quốc lộ 50.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, trục giao thông đô thị TP.HCM - Long An - Tiền Giang là quốc lộ 50B dài 55km, rộng 6 Iàn xe. Trên địa bàn TPHCM, quốc lộ 50B đi qua các huyện Nhà Bè và Bình Chánh.

Hiện nay, quốc lộ 50B đã được bổ sung vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 và quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sau khi Thủ tướng phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch, TPHCM sẽ tổ chức lập các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, làm cơ sở để cập nhật quốc lộ 50B vào các đồ án quy hoạch phân khu có liên quan trên địa bàn huyện Nhà Bè và Bình Chánh.

quốc lộ 50b
Ảnh minh họa

Liên quan đến tuyến đường này, vào năm 2020, TPHCM, Long An, Tiền Giang đã đề xuất phương án đầu tư xây dựng đoạn tuyến qua địa bàn Long An, Tiền Giang và hỗ trợ vốn đầu tư ba cầu trên tuyến.

Về quy mô, đoạn từ đường Phạm Hùng đến quốc lộ 50 tại ngã tư Tân Kim (xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) dài 6,8km, quy mô 6 làn xe do TPHCM đầu tư.

Còn đoạn từ ngã tư Tân Kim đến Trung Lương dài 45,9km. Trong đó, đoạn Tân Kim - cầu vượt sông Vàm Cỏ Đông dài khoảng 15,9km, rộng 10 làn xe. Đoạn từ sông Vàm Cỏ Đông đến cuối tuyến quy mô 6 làn xe.

Đến năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn báo cáo Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đề xuất các dự án phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, ba cây cầu Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây sử dụng nguồn vốn do Hàn Quốc tài trợ. Tổng mức đầu tư khoảng 4.797 tỷ đồng.