Trong đó có nội dung quan trọng là bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho cấp xã.
Theo định hướng sửa đổi, tại kỳ họp thứ 9 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, trong đó đề xuất bỏ đơn vị hành chính cấp huyện. Cơ cấu tổ chức mới sẽ gồm cấp tỉnh và cấp dưới cấp tỉnh, tức là cấp xã. Điều này kéo theo việc cần sửa đổi hàng loạt luật liên quan, trong đó có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vốn hiện nay vẫn còn quy định thẩm quyền cho cấp huyện.
Để phù hợp với mô hình tổ chức mới, Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã. Cụ thể, HĐND cấp xã sẽ được ban hành nghị quyết về các vấn đề được luật và nghị quyết của Quốc hội giao, cũng như các nhiệm vụ được phân cấp. UBND cấp xã sẽ ban hành quyết định trong phạm vi quyền hạn và nhiệm vụ được giao theo luật hoặc do cấp trên phân cấp.

Dự thảo luật cũng quy định rõ về xử lý văn bản đã được ban hành trước đó bởi cấp huyện. Theo đó, nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND cấp huyện ban hành trước ngày luật có hiệu lực vẫn tiếp tục có hiệu lực cho đến khi bị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ. Việc bãi bỏ phải được hoàn tất trong vòng 2 năm kể từ ngày luật có hiệu lực.
Việc bãi bỏ văn bản cấp huyện có thể thực hiện theo hai cách: (1) HĐND, UBND cấp tỉnh tự bãi bỏ; hoặc (2) HĐND, UBND cấp xã khi ban hành văn bản mới sẽ đồng thời đề xuất cấp tỉnh bãi bỏ các văn bản cấp huyện có liên quan.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đề xuất phân định rõ nhiệm vụ của từng cấp chính quyền. Theo đó, cấp tỉnh sẽ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch và quản lý các vấn đề liên vùng hoặc có tính chất vĩ mô, đòi hỏi chuyên môn cao và cần sự thống nhất trên toàn tỉnh.
Cấp xã sẽ là đơn vị tổ chức thực hiện các chính sách của Trung ương và cấp tỉnh, tập trung vào nhiệm vụ phục vụ người dân, cung cấp dịch vụ công cơ bản và giải quyết các vấn đề trực tiếp tại cộng đồng. Đồng thời, cấp xã sẽ được trao quyền chủ động, sáng tạo nhiều hơn để phát huy vai trò của địa phương trong mô hình chính quyền tinh gọn, hiệu quả.
Với việc bỏ cấp huyện, dự thảo luật cũng chính thức đề xuất bãi bỏ toàn bộ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND cấp huyện.
Việc điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ giảm trùng lắp, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, đồng thời trao quyền rõ ràng và thực chất hơn cho cấp cơ sở trong điều hành, quản lý và phục vụ người dân.