Theo Cục Y tế dự phòng, mặc dù tuổi thọ trung bình của người Việt Nam khá cao so với các nước có cùng mức sống, nhưng số năm sống với bệnh tật cũng đáng kể.
Nguyên nhân chính là do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, gia tăng bệnh không lây nhiễm và các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn căng thẳng sau sang chấn.

Việc ban hành Luật Phòng bệnh sẽ giúp hoàn thiện khung pháp lý, bổ sung các quy định về phòng bệnh không lây nhiễm, chăm sóc sức khỏe tâm thần, bảo đảm dinh dưỡng và giảm thiểu các nguy cơ từ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu.
Bộ Y tế đề xuất mở rộng nội dung luật bao gồm Phòng, chống bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, ung thư.
Chăm sóc sức khỏe tâm thần, ứng phó với các rối loạn như trầm cảm, lo âu.
Tăng cường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý để phòng bệnh từ sớm. Phòng bệnh tại cơ sở giáo dục, cung cấp nước sạch, bảo vệ sức khỏe trước ô nhiễm môi trường.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, 60-75% bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường có liên quan đến dinh dưỡng không hợp lý. Việc cải thiện chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính, đồng thời nâng cao thể lực và tuổi thọ của người dân.
Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất bổ sung Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Nếu được thông qua, đây sẽ là bước tiến quan trọng trong công tác phòng bệnh, giúp giảm tải hệ thống y tế và nâng cao sức khỏe cộng đồng.