TPHCM áp dụng kinh nghiệm chống dịch Covid-19 vào phòng, chống dịch sởi
Tính đến ngày 20/10, tổng số ca mắc sởi tại TPHCM là 1.192 ca, ghi nhận ở cả 22 quận, huyện. Ngay khi ghi nhận ca sởi đầu tiên vào cuối tháng 5 năm 2024, TPHCM đã triển khai nhiều hoạt động phòng chống dịch sởi, trong đó có việc ban hành kế hoạch bảo vệ trẻ có nguy cơ cao trước bệnh sởi vào đầu tháng 8.
Thành phố rút ra một số kinh nghiệm quan trọng từ công tác phòng chống dịch Covid-19 để áp dụng vào phòng chống dịch sởi, bao gồm: công bố dịch để huy động nguồn lực, bảo vệ đối tượng nguy cơ cao và kiểm soát lây nhiễm chéo trong bệnh viện, sự quyết tâm của ngành y tế, sự phối hợp chặt chẽ giữa y tế và giáo dục, sự tham gia của y tế tư nhân, giải pháp “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” cần được triển khai quyết liệt.
Thành phố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng thông qua sự tham gia của các cơ quan, ban ngành đoàn thể, mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng.
Áp dụng khung giá thuê nhà cho công nhân trong khu công nghiệp ở TPHCM
UBND TPHCM vừa ban hành quyết định khung giá cho thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, theo đó giá thuê không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thấp nhất là 87.000 đồng/m2/tháng, cao nhất 143.000 đồng/m2/tháng.
Như vậy, giá thuê một phòng trọ 20m2 trong khu công nghiệp sẽ từ 1.740.000 đồng/tháng.
UBND TPHCM cũng ban hành quyết định quy định việc hỗ trợ giải quyết bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội cho hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn và khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
TPHCM cũng vừa có quyết định về việc ban hành khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư tại TPHCM, theo đó khung giá dịch vụ quản lý vận hành với chung cư không có thang máy tối thiểu 600 đồng/m2 diện tích sử dụng/tháng, tối đa 3.500 đồng/m2/tháng.
Với chung cư có thang máy, khung giá dịch vụ quản lý vận hành tối thiểu 1.800 đồng/m2 diện tích sử dụng/tháng, tối đa 7.000 đồng/m2/tháng.
Yêu cầu xử lý dứt điểm các tồn tại của dự án BOT QL51
Bộ GTVT đã có nhiều văn bản yêu cầu Cục Đường bộ khẩn trương giải quyết dứt điểm các tồn tại, xác định chính thức ngày kết thúc thu phí của dự án BOT QL51, tuy nhiên kể từ khi dừng thu phí QL51 đến nay đã hơn 1 năm 8 tháng, Cục Đường bộ triển khai thực hiện chậm và chưa có kết quả giải quyết dứt điểm tồn tại của dự án.
UBND tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu phản ánh dự án BOT QL51 sau khi tạm dừng thu phí đến nay đã xuất hiện nhiều vị trí hư hỏng, tình trạng ổ gà, mặt đường rạn nứt, vạch sơn phân làn nhiều đoạn bị mất... tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ khẩn trương làm việc, đàm phán với BVEC để giải quyết các đề nghị của BVEC, UBND tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và các ngân hàng cho dự án BOT QL51 vay vốn, kịp thời có giải pháp xử lý dứt điểm các tồn tại của dự án, xác định chính thức ngày kết thúc thu phí của dự án và quyết định theo thẩm quyền.
Bắt giữ đối tượng trộm 350 cây sâm Ngọc Linh
Ngày 24/10, UBND huyện Đăk Glei (Kon Tum) đã khen thưởng nóng Công an huyện trong việc phá nhanh vụ trộm sâm Ngọc Linh quy mô lớn trên địa bàn.
Ngày 21/10, anh A Tâm (32 tuổi, trú thôn Tân Rát, xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei) đến thăm vườn sâm của gia đình tại tiểu khu 93, xã Ngọc Linh thì phát hiện bị trộm mất 350 cây sâm Ngọc Linh nên trình báo công an.
Cơ quan điều tra xác định A Ngang (31 tuổi, trú xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông) có nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã mời làm việc nhưng đối tượng nhanh chân lẩn trốn vào rừng.
Đến sáng 22/10, lực lượng chức năng xác định A Ngang đang lẩn trốn tại vườn sâm xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei nên tiến hành bắt giữ đưa về làm việc.
Qua đấu tranh, đối tượng A Ngang đã khai nhận hành vi trộm cắp và vị trí cất giấu sâm Ngọc Linh. Khám xét khẩn cấp theo lời khai của A Ngang, công an phát hiện thu giữ 350 củ sâm Ngọc Linh từ 1 đến 8 năm tuổi.
Giải đáp việc đóng cọc sắt, đổ đất lấn sông Tắc ở Nha Trang
Dự án nâng cấp cảng cá Hòn Rớ và chợ thủy sản Nam Trung Bộ cùng với nạo vét khu vực neo đậu tàu thuyền và tránh trú bão trên sông Tắc đang được triển khai, gây ra tình trạng đóng cọc sắt, đổ đất lấn sông Tắc.
Khu vực sông Tắc bị lấn chiếm đã được UBND TP Nha Trang cho phép sử dụng tạm thời để tập kết bùn, đất nạo vét sông Tắc theo dự án.
Sau đó, các đơn vị nhà thầu, thi công dự án sẽ chở toàn bộ bùn đất tại khu tập kết tạm trên sông Tắc bên bờ Hòn Rớ đó đem san lấp tại một khu vực đã được cấp phép tại thôn Phước Thượng, xã Phước Đồng.
Khi các công việc liên quan hoàn thành, chủ dự án nâng cấp cảng cá Hòn Rớ và nạo vét khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão sẽ có trách nhiệm dọn dẹp, khôi phục toàn bộ khu vực sông Tắc.