Tiêu điểm: Nhân Humanity

Điểm tin sáng 30/6: Việt Nam đón gần 9 triệu lượt khách | Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu chậm tiến độ

VOH - Mất hơn 1,2 tỷ đồng vì phần mềm dịch vụ công giả mạo; Phát hiện cơ sở truyền nước biển trái phép; Kiểm tra thông tin qua VNeID có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ là thông tin nổi bật.

Việt Nam đón gần 9 triệu lượt khách quốc tế trong nửa đầu năm 2024

Trong nửa đầu năm 2024, Việt Nam đã đón tổng cộng hơn 8,83 triệu lượt khách quốc tế, tăng 58,4% so cùng kỳ năm trước và tăng 4,1% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách du lịch đến bằng đường hàng không chiếm 83,8% tổng lượng khách, khách đến bằng đường bộ chiếm 14,3% và khách đến bằng đường biển chỉ chiếm 1,9%.

Hàn Quốc vẫn là thị trường gửi khách lớn nhất Việt Nam với 2,28 triệu lượt khách, tiếp theo là Trung Quốc với gần 1,89 triệu lượt và Đài Loan (Trung Quốc) với hơn 630 nghìn lượt khách. Chỉ tính riêng tháng 6/2024, lượng khách quốc tế đến nước ta đã đạt gần 1,25 triệu lượt người, tăng 28,1% so cùng kỳ năm trước.
Sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt Nam là nhờ chính sách thị thực thuận lợi, cùng việc đẩy mạnh tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được nhiều địa phương trên cả nước triển khai.

khach quoc te_voh
Phố cổ Hội An luôn là điểm đến hấp dẫn khách quốc tế - Ảnh NDO

Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu chậm tiến độ do vướng mắc giải phóng mặt bằng

Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu qua Đồng Nai đang chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đồng Nai mới bàn giao được gần 80ha mặt bằng thi công, trong khi mục tiêu phải bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 30/6 đã không thể hoàn thành.

Các địa phương đang tập trung nhân lực để hoàn thành mục tiêu bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công dự án trong tháng 7/2024. Tuy nhiên, vẫn còn hàng trăm trường hợp chưa hoàn thành việc xác minh nguồn gốc đất, trong đó có nhiều trường hợp có nhà, tài sản xây dựng trên đất người khác nên theo quy định phải quy chủ, hoàn chỉnh hồ sơ đã mất nhiều thời gian trong việc áp giá lập phương án bồi thường.

Bên cạnh đó, có nhiều thửa đất chồng lấn ranh giới thu hồi với các công trình điện cao thế nên phải xin ý kiến về phương án bồi thường hỗ trợ, ảnh hưởng không ít đến tiến độ thực hiện dự án.

bien hoa_voh
Ông Võ Tấn Đức, quyền chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nghe các ngành và địa phương báo cáo tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu ngày 29/6 - Ảnh: TTO

Kiểm tra thông tin qua VNeID có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ từ 1/7

Theo thông tư 28/2024 có hiệu lực từ ngày 1/7 của Bộ Công an, việc kiểm tra thông tin qua VNeID có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ. Các loại giấy tờ có thể kiểm tra qua VNeID bao gồm giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng, chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định, giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Lực lượng chức năng có thể kiểm tra thông tin trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên VNeID, cơ sở dữ liệu. Trường hợp người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện xuất trình bản giấy các giấy tờ thì lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, đối chiếu trực tiếp các giấy tờ đó và thực hiện tra cứu thông tin liên quan trong hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính, cơ sở dữ liệu khác.

Đối với phương tiện giao thông chở người từ 10 chỗ trở lên, phương tiện giao thông chở người có kích thước tương đương với phương tiện giao thông chở người từ 10 chỗ trở lên thì cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông phải trực tiếp lên khoang chở người để thực hiện kiểm soát và thông báo kết quả kiểm soát.

vnid_voh
Cảnh sát kiểm tra giấy tờ tài xế - Ảnh: TTO

Phát hiện cơ sở truyền nước biển tại nhà trái phép tại TPHCM

Sở Y tế TPHCM phát hiện Công ty TNHH dịch vụ chăm sóc y tế VMEDI tại địa chỉ số 255/14 liên khu 4 – 5, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM quảng cáo và cung cấp dịch vụ truyền nước biển tại nhà trái quy định.

Trước đó, Thanh tra sở phối hợp các cơ quan chức năng địa phương kiểm tra tại quán cà phê Gờ ở địa chỉ số 133A Hoàng Sa (phường Tân Định, quận 1) phát hiện “dịch vụ truyền nước biển” trái quy định pháp luật. Bà V.K.P. (32 tuổi) là người cung ứng “dịch vụ truyền nước biển” tại quán cà phê này, bà có học lớp sơ cấp y một năm tại Quân đoàn 4 vào năm 2009, không có chứng chỉ hành nghề.
Thanh tra sở đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế với bà P. vì hành vi khám chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề và cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép, với tổng số tiền phạt là 80 triệu đồng.

Thanh tra sở cho hay sẽ cương quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật của cơ sở này, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng người dân.

truyen nuoc_voh
Công ty TNHH dịch vụ chăm sóc y tế VMEDI quảng cáo cung ứng dịch vụ “truyền nước biển tại nhà - dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà TP.HCM” trái phép - Ảnh: Sở Y tế TP.HCM cung cấp

Mất hơn 1,2 tỷ đồng khi cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo

Một người phụ nữ tại Hà Nội đã mất hơn 1,2 tỷ đồng sau khi cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo theo hướng dẫn của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Đối tượng này đã đánh cắp quyền điều khiển điện thoại của nạn nhân và chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân.

Công an Hà Nội cảnh báo người dân không nên cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của những người lạ gọi đến. Nếu cài đặt phần mềm giả mạo, người dùng có nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại, tin nhắn và cuộc gọi sẽ bị kiểm soát và chuyển về máy chủ của đối tượng, đồng thời đối tượng có thể truy cập vào tài khoản và chuyển tiền của nạn nhân.

Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an gần nhất để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.

dich vu_voh
Phần mềm dịch vụ công giả mạo.-  Ảnh: CACC

baner-f-061913

Bình luận