Tiêu điểm: Nhân Humanity

Định hình bức tranh quy hoạch giao thông TP.HCM

(VOH) - Năm 2014 dù còn không ít khó khăn nhưng ngành giao thông vận tải TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: tai nạn giao thông giảm cả 3 mặt, đầu tư xây dựng hoàn thành nhiều công trình, góp phần tăng thêm 28,6 km đường, xây dựng mới 17 cây cầu. Năm 2015, ngành giao thông TP đặt mục tiêu giảm 5% tai nạn giao thông, xây dựng mới 10 cây cầu và tổng chiều dài đường tăng thêm là 34,5km. Với những dự án được thực hiện qua từng năm thì mạch máu giao thông thành phố đang ngày một hoàn thiện.

Thông suốt giao thông - động lực phát triển

Một dự án tầm cỡ được đưa vào sử dụng vào tháng 2 năm 2015 là tuyến đường cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây, đoạn đi qua TP.HCM. Việc đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian đi lại, thúc đẩy giao thương, đồng thời giải tỏa áp lực giao thông trong khu vực, kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận, tạo diện mạo hạ tầng đô thị khu vực Đông Nam TP ngày càng khang trang, hiện đại.

Tuyến đường Phạm Văn Đồng thông xe giải quyết một lượng lớn nhu cầu đi lại của người dân ở các quận Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp và Thủ Đức (Ảnh: Lan Hương)

Cách đây chưa lâu khu vực phía Đông Bắc TP cũng được tiếp thêm lực phát triển khi tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài được thông xe đưa vào sử dụng đợt 1, giải quyết một lượng lớn nhu cầu đi lại của người dân ở các quận Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp và Thủ Đức. Trong khi đó phía Tây Nam TP, tuyến Đại lộ Đông Tây, Hầm vượt Sông Sài Gòn, đường Rừng Sác, đường song hành Quốc lộ 22.

Đi trên đại lộ Đông Tây nối từ ngã ba Cát Lái đến quốc lộ 1A huyện Bình Chánh vào ban đêm mới thấy hết vẻ đẹp rực rỡ, đường rộng thêm thang, 4 hàng đèn đường sáng rực, tạo khung cảnh thoáng mát nên thơ. Con đường mang lại cho bà con khu vực quận 2, quận 1 sự thuận tiện trong di chuyển. Người dân từ ngã ba Cát Lái muốn sang quận 1 không còn phải đi vòng theo những cung đường nhỏ hẹp, phải qua phà Thủ Thiêm mất 15-20 phút, hoặc phải vòng qua cầu Sài Gòn.

Từ đây, muốn đi miền Tây cũng chỉ chạy thẳng một đường tới Bình Chánh rẽ phải là về Long An rồi tỏa khắp miền Tây sông nước, thay vì chạy xuyên tâm TP thường xuyên bị kẹt xe. Sự phát triển nhanh hệ thống cầu đường, sớm hình thành các đường vành đai, các trục đường xuyên tâm, các đường kết nối đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm thương mại và các khu dân cư đông dân, dần dần tạo sự đi lại thuận lợi theo hướng Đông - Tây và Bắc - Nam của TP, kết nối và tạo cho đô thị phát triển nhanh dọc hai bờ sông Sài Gòn.

Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nhìn nhận: “Yêu cầu đầu tiên là lưu thông đô thị nhưng lớn hơn là tạo không gian phát triển kinh tế hướng Đông-Nam TP, kết nối với đường cao tốc kết nối với hệ thống đường cao tốc và cao tốc TP.HCM - Trung Lương Tiền Giang. Có thể nói trong nhiều năm chúng ta phải ứng phó với tình hình khủng hoảng kinh tế tài chánh toàn cầu nhưng Đảng bộ Chính quyền và Nhân dân TP đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, đó chính là sự quyết tâm của Đảng bộ Chính quyền và Nhân dân TP”.

Tương lai cùng metro

Không chỉ có đường bộ, các tuyến đường sắt cũng được chú trọng như là một điều kiện quan trọng giao lưu phát triển giữa TP.HCM với các tỉnh. Tuyến đường sắt đô thị số 1 kéo dài từ Bến Thành đến Suối Tiên đang bước vào giai đoạn thi công nước rút là một dự án như vậy. Đây đồng thời cũng được coi là một bước tiến quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị tại trung tâm kinh tế lớn nhất nước. Mục tiêu chính của dự án là đáp ứng nhu cầu giao thông trên tuyến Xa lộ Hà Nội, nơi có lưu lượng giao thông cao nhất trong số các cửa ngõ TP và đang là điểm đen về ùn tắc, tai nạn giao thông.

Ở khía cạnh kinh tế, tuyến Bến Thành - Suối Tiên sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho các quận dọc tuyến như Quận 2, 9, Thủ Đức, TP.HCM và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị TP cho hay, tuyến Metro số 1 sẽ có một ray chờ để trong thời gian tới có thể kết nối với Bình Dương và Đồng Nai.

Ông Hoàng Như Cương, Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị cho rằng: “Trong tương lai gần, Bình Dương đã có quy hoạch Metro và mong muốn kết nối với tuyến metro số 1 tại bến xe Suối Tiên, trước tiên có thể là hệ thống xe buýt nhanh sau đó là hệ thống đường sắt đô thị".

Nhìn vào tương lai khi 6 tuyến metro được hoàn thành, đường vành đai 3, vành đai 4 được hoàn thành sẽ hoàn thiện thêm bức tranh giao thông TP. Trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020 thì các tuyến đường vành đai, các tuyến kết nối đóng vai trò cực kỳ quan trọng tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh gắn kết khu vực TP và giữa TP với  các tỉnh.

Đến nay vóc dáng đô thị ấy đang dần được định hình. TP.HCM đang trên đà phát triển, trên lộ trình ấy những tồn tại yếu kém là điều khó tránh khỏi song người dân TP vẫn có thể tự hào và tự tin với những kết quả mà mình đã, đang và sẽ đạt được. Đó là sự nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền, Người dân TP cùng chung tay góp sức tạo nên những nét chấm phá cho kinh tế đô thị địa phương, góp phần cùng cả nước tiến về phía trước.

Bình luận