“Luật BHXH sửa đổi năm 2024 sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH; Người lao động cũng cần chủ động thực hiện một số giải pháp để đảm bảo quyền lợi khi công ty nợ tiền bảo hiểm” - Đây là thông tin được BHXH TPHCM thông tin tại hội nghị đối thoại trực tiếp của Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp và Chính quyền thành phố do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với BHXH thành phố tổ chức.
1. Làm sao để chốt bảo hiểm xã hội cho người lao động khi công ty nợ tiền bảo hiểm?
Đối với đơn vị chậm đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.
Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị chậm đóng, xác nhận bổ sung trên sổ BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Hiện nay BHXH Việt Nam cho phép đơn vị chậm đóng gửi văn bản đến cơ quan BHXH đề nghị đóng trước tiền để chốt sổ cho người lao động đã nghỉ việc, đủ điều kiện hưởng BHXH.

2. Trong trường hợp người lao động chưa được tất toán hồ sơ bảo hiểm xã hội ở công ty cũ (nợ bảo hiểm xã hội) thì người lao động phải làm gì để yêu cầu tất toán hồ sơ?
Trường hợp đơn vị chưa chốt sổ, người lao động nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH nơi quản lý đơn vị để xác nhận sổ BHXH.
Trường hợp đơn vị đã chốt sổ nhưng chưa đầy đủ do đơn vị chậm đóng, đề nghị người lao động yêu cầu đơn vị gửi văn bản đến cơ quan BHXH đề nghị đóng trước tiền để chốt sổ cho người lao động đã nghỉ việc theo quy định.
Trường hợp đơn vị không thực hiện, người lao động gửi đơn khiếu nại đến người sử dụng lao động hoặc khởi kiện người sử dụng lao động tại Tòa án nhân dân theo quy định của Luật BHXH năm 2014.
3. Công ty chậm đóng BHXH cho người lao động sẽ bị xử lý thế nào?
Theo quy định, hành vi chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi bị nghiêm cấm. Công ty chậm đóng BHXH cho người lao động sẽ bị xử lý như sau:
Căn cứ khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN.
Ngoài phạt tiền, người sử dụng còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
- Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội;
- Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng.

Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội từ 30 ngày trở lên.
Như quy định trên, cá nhân khi có hành vi chậm đóng BHXH sẽ bị phạt từ 12% đến 15% tổng số tiền đóng BHXH bắt buộc nhưng không quá 75 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải nộp lại số tiền chậm nộp và tiền lãi chậm nộp.
Luật BHXH sửa đổi năm 2024 đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, cụ thể:
Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, BHTN chậm đóng và số ngày chậm đóng vào quỹ BHXH, quỹ BHTN.
Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, BHTN trốn đóng và số ngày trốn đóng vào quỹ BHXH, quỹ BHTN.
Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với trốn đóng BHXH và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với chậm đóng.
Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Luật bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.