Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hà Tĩnh kỷ niệm 50 năm chiến thắng Truông Bồn

(VOH) - Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Truông Bồn và kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của 13 chiến sĩ Thanh niên xung phong “Tiểu đội cảm tử” anh hùng (31/10/1968-31/10/2018).

Sáng 01/11, Đoàn cán bộ Tuyên giáo, Báo chí TPHCM do ông Dương Thế Trung, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, làm trưởng đoàn đã đến viếng và dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại khu di tích lịch sử Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Đoàn làm lễ dâng hương tại Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Trong kháng chiến, Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là “tuyến đường độc đạo”, nơi kết nối các huyết mạch giao thông từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhằm hủy diệt các nút giao thông trên tuyến đường này, Mỹ đã thực hiện hàng nghìn lượt ném bom. Truông Bồn là điểm bị đánh phá ác liệt nhất.

Do đó, để xe thông qua Truông Bồn, hàng nghìn Thanh niên xung phong Nghệ An được điều động tới đây làm nhiệm vụ san lấp hố bom. Ngày 31/10/1968, Mỹ ném 180 quả bom khiến 13/14 Thanh niên xung phong của Tiểu đội cảm tử hy sinh.

Chị Nguyễn Thị Thu, thuyết minh viên của Ban quản lý Khu di tích Truông Bồn cho biết  Tiểu đội gồm có 14 người, trong đó có 12 nữ và 2 nam. Vào trận bom dữ dội và ác liệt nhất lúc 6g10 phút ngày 31/10/1968, 52 quả bom Mỹ đã trút xuống, trong chốc lát  Truông Bồn chìm vào biển lửa khói. Khi ngớt tiếng bom đơn vị đào bới tìm kiếm các chị các anh, nhưng chỉ còn tiểu đội trưởng Trần Thị Thông còn sống sót. 13 chiến sỹ trong đó có 11 nữ và 2 nam đã nằm lại mảnh đất Truông Bồn này tìm được 6 thi thể, còn lại đều bị tan vào đất đá. Vì vậy đồng đội đành gom những vật dụng tìm được về chôn trong một ngôi mộ chung cho 7 chiến sỹ.

Từ năm 1965 đến năm 1968, kẻ thù đã trút xuống mảnh đất này 18.936 quả bom các loại và hàng chục ngàn tên lửa; tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường, sát hại nhiều người dân địa phương; phá hủy hàng trăm xe ô tô và hàng trăm khẩu pháo của bộ đội. Với tinh thần “Đường chưa thông không tiếc máu xương”, các cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã ngày đêm bám trụ, rà phá hàng trăm quả bom nổ chậm các loại; đào đắp hàng triệu m vuông đất đá; đưa hàng ngàn lượt xe cơ giới vượt qua an toàn; vận chuyển và giải tỏa hàng triệu tấn hàng; cung cấp hàng triệu phi lao, cọc tre, các loại gỗ chống lầy, làm cầu cho xe qua; huy động hàng ngàn xe chở hàng vượt qua Truông Bồn.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày cuối cùng của tháng Mười năm 1968 định mệnh ấy, khói hương dường như chưa bao giờ tắt nơi chiến địa xưa. Truông Bồn đã trở thành mảnh đất thiêng liêng, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho lớp lớp thế hệ trẻ.  

Bạn Nguyễn Thị Thanh Hương – Đoàn viên Thanh Niên của Trường Mầm non Quỳnh Lưu, Nghệ An xúc động nói: “50 năm trước, các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu để chúng em có được như ngày hôm nay. Em cảm thấy rất tự hào và đặc biệt xúc động mỗi khi nghe bài Cúc ơi, là nước mắt em lại tuôn trào. 13 cô gái thanh niên xung phong hy sinh khi còn rất trẻ để bảo vệ và gìn giữ cho chúng em có được như ngày hôm nay”.

Bất chấp mưa bom, bão đạn của kẻ thù, với lòng quả cảm, với tinh thần và quyết tâm sắt đá “Tim có thể ngừng đập – nhưng đường không thể tắc”, hơn 1.500 cán bộ, chiến sĩ của 9 Đại đội Thanh niên xung phong thuộc Tổng đại đội Thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An đã cùng với lực lượng của quân và dân ta đã lập nên những chiến công, những kỳ tích, làm nên chiến thắng Truông Bồn.

Trong cuộc chiến sinh tử này, 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh.

Tham gia chuyến hành trình về nguồn “Làng Sen quê Bác – Sông Mã anh hùng”, Nhà báo Minh Phong, Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết khi đến nơi này cho tôi những cảm xúc thật đặc biệt, giúp mình sống có ý nghĩa hơn. Và không chỉ giúp ích cho bản thân mà còn cho xã hội. Đó cũng là cách mình trả ơn các anh hùng liệt sĩ.

Đoàn dâng hương tại Khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP tại ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, đoàn đại biểu kính dâng lễ vật, những bông hoa tươi thắm nhất, thắp nén nhang thơm để tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính, cảm phục và tri ân sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ. Cuộc đời và sự nghiệp của các anh hùng liệt sĩ mãi mãi là những tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập và noi theo.

Trước đó, Đoàn cán bộ tuyên giáo, Báo chí TPHCM đến dâng hương tại Khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP tại ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Bình luận