Chờ...

Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình

(VOH) - Một trong những điểm mới trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 là khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Chiều 2/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, trong đó có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 gồm 6 chương, 56 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy giới thiệu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 (Ảnh: VGP)

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có những điểm mới như: Tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm; thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng; sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật 2007, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Luật khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này.

Xem thêm: Phụ nữ cần trang bị các kỹ năng chống bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình được xem là một vấn nạn mang tính toàn cầu và hậu quả của nó là nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.

Theo kết quả điều tra quốc gia năm 2021, 32% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Kết quả còn cho thấy, năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP.

Bạo lực gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, như đánh đập, hành hạ, gây thương tích, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân trước những mối quan hệ gia đình và xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc...