Tiêu điểm: Nhân Humanity

Loạt chính sách bảo hiểm y tế ảnh hưởng hàng triệu người dân được Quốc hội thảo luận

VOH - Chiều 31/10, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) – một chính sách quan trọng ảnh hưởng đến hàng triệu người dân.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan sẽ giải trình và làm rõ các ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Trong chương trình nghị sự buổi sáng, Quốc hội đã xem xét các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng và dự thảo về việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương.

Các đại biểu Quốc hội sau đó sẽ thảo luận về các nội dung này tại tổ. Buổi chiều, trọng tâm chuyển sang phiên thảo luận công khai về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, với dự kiến sẽ được phát sóng trực tiếp trên truyền hình Quốc hội.

Anh QUoc hoi

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp chiều ngày 30/10

Dự án Luật BHYT sửa đổi lần này tập trung vào 4 nhóm chính sách lớn:

  1. Điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT: Việc tham gia BHYT sẽ đồng bộ với các quy định mới của pháp luật để mở rộng và đa dạng hóa nhóm đối tượng thụ hưởng.

  2. Phạm vi quyền lợi BHYT: Điều chỉnh để quyền lợi bảo hiểm phù hợp với mức đóng của người tham gia, đảm bảo tính bền vững của quỹ BHYT và các yêu cầu trong chăm sóc sức khỏe ở từng giai đoạn.

  3. Quy định về khám chữa bệnh BHYT: Thay đổi các quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật, phát huy vai trò y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao tính hiệu quả trong khám chữa bệnh BHYT.

  4. Quản lý quỹ BHYT: Cải tiến cơ chế quản lý, phân bổ quỹ nhằm tối ưu hóa hiệu quả và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ y tế.

Theo Bộ Y tế, sau 15 năm triển khai, Luật BHYT đã khẳng định vai trò trong việc chia sẻ rủi ro tài chính y tế, là nguồn lực lớn đảm bảo an sinh xã hội và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Tuy nhiên, một số bất cập đã phát sinh, đặc biệt là về đối tượng tham gia, phạm vi quyền lợi, mức đóng, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, và việc thông tuyến. Những hạn chế này đòi hỏi phải sửa đổi luật để phù hợp hơn với nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khả năng chi trả của quỹ BHYT.

Bộ Y tế nhận định rằng, Luật BHYT sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho người dân tham gia bảo hiểm phù hợp hơn với từng nhóm đối tượng, đồng thời giúp nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, đặc biệt tại y tế cơ sở. Bên cạnh đó, các quy định mới sẽ thúc đẩy quản lý quỹ BHYT một cách hiệu quả và bền vững.

Phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi Luật BHYT hứa hẹn sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các đại biểu Quốc hội, phản ánh mối quan tâm sâu sắc về quyền lợi sức khỏe của người dân. Dự kiến, Luật sửa đổi sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 27/11/2024, tạo dấu ấn quan trọng trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người dân Việt Nam.

 
Bình luận