Chờ...

Lối nào cho người đi bộ?

(VOH) - Dễ dàng nhận ra nhiều nơi tại TPHCM, người dân chạy theo lợi nhuận kinh doanh mà bất chấp luật lệ giao thông. Hậu quả là người đi bộ rất dễ gặp rủi ro, tai nạn...

Bị chiếm hết lối đi, người đi bộ phải đi lại dưới lòng đường rất nguy hiểm. Ảnh: NLĐ

Người đi bộ bị "đẩy" xuống lòng đường

Đoạn đường thuộc Quốc lộ 1 đi qua quận 12 và tiếp giáp với các khu công nghiệp rất thường xuyên xảy ra tại nạn giao thông. Vậy mà tại đây, từ lâu đã hình thành một khu chợ tự phát, khiến cho tình hình càng thêm phức tạp. Chủ sạp buôn bán lấn chiếm lề đường khiến người đi bộ gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Về hướng trung tâm thành phố, hơn 4 năm nay, nhờ chính quyền đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cải tạo, mà dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã trong xanh trở lại và đôi bờ cũng trở nên sạch đẹp. Thế nhưng bên cạnh đó, hàng trăm hàng quán cũng đua nhau mọc lên, kéo theo xe cộ của khách dựng tràn lan, không kể gì đến đường của người đi bộ.

Theo thống kê, hiện trạng các vụ tai nạn giao thông liên quan tới người đi bộ đang có dấu hiệu tăng cao và diễn biến phức tạp. Trong năm 2015, thành phố xảy ra 96 vụ tai nạn giao thông có liên quan đến bộ hành, làm 50 người tử vong. Về nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Ngọc Tường – Phó Ban An toàn Giao thông TPHCM cho hay: "Hằng năm, tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến bộ hành rất lớn. Có nhiều nguyên nhân, có thể là do người đi bộ đi không đúng quy định, cũng có những người đi đúng quy định nhưng không có lề đường cho họ. Cho nên, đây là một vấn đề cũng rất bức xúc".

Thực tế, tình trạng chiếm dụng phần đường dành cho người đi bộ tại thành phố không còn là nguy cơ tiềm ẩn gây nên tai nạn nữa, mà đã trở thành một trong những tác nhân gây ra thương vong cho người đi bộ. Nhiều người còn nhớ vụ tai nạn tại khu vực tại góc đường Lê Thị Hồng Gấm – Calmette (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1), một cụ ông đang đi bộ bị chiếc xe buýt chạy trên đường Lê Thị Hồng Gấm bất ngờ quẹo phải vào đường Calmette và ép ông vào vách tôn khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Sau vụ tai nạn, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm tại công trình này như: công trình thi công trong phạm vi đất dành cho người đi bộ, không thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông để xảy ra tai nạn, hàng rào trên đường Calmette - nơi xảy ra tai nạn chưa được Sở Giao thông vận tải cấp phép…

Mạng sống con người là quý giá, vậy nhưng trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”, không khó để nhận ra rất nhiều con đường tại thành phố đã bị nghiễm nhiên chiếm dụng hết cả phần hành lang bộ hành để kinh doanh.

Tại góc đường Đề Thám (quận 1), khách du lịch nước ngoài phải loay hoay tìm lối đi. Dọc hai bên vỉa hè bị các cửa hàng tạp hóa, quán cà phê, quán nhậu lấn chiếm để làm nơi bán hàng, đậu xe ra sát lòng đường. Kế bên “khu phố Tây” là chợ Thái Bình, tại đây, dường như ai cũng xem việc đi xe gắn máy rồi dừng lại mua hàng sát lòng đường là chuyện bình thường. Trong khi đó người đi bộ ở đây khá nhiều, và có khi họ phải len lỏi trong dòng xe cộ lưu thông với tốc độ cao.

Bà Thu Nga – một người dân cao tuổi sống tại đây lo lắng: "Hiện tại ở đây họ quản lý lỏng lẻo quá, làm cho người đi bộ khổ sở, lo lắng, còn người buôn bán thì cứ cố để tràn lan. Những người già như tôi mỗi khi muốn băng qua đường thì khó khăn lắm, nhiều lúc tôi chờ 10, 15 phút mà cũng không dám băng qua đường!".

Anh Duy Hiển – ngụ tại đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 phản ánh: "Con đường này có vạch kẽ cho người đi bộ nhưng không ai để ý đến quyền lợi của người đi bộ hết. Những lúc có việc gấp, không kịp quan sát, băng qua thì rất dễ xảy ra tai nạn".

Các quán bày la liệt trên vỉa hè. Ảnh: NLĐ

Tìm "lối ra" cho người đi bộ

Những chuyện bất cập về đảm bảo an toàn cho người đi bộ rất phức tạp, và để giải bài toán này, trong hội nghị phối hợp công tác giữa TPHCM và Bộ Giao thông Vận tải diễn ra cuối tháng 2 vừa qua, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã yêu cầu chấm dứt ngay việc cho thuê lòng đường vỉa hè để kinh doanh buôn bán, đỗ xe,... trả lại vỉa hè cho người đi bộ.

Ông Từ Minh Thiện – đại biểu HĐND TP nói: "Đường cho người đi bộ là nhu cầu chính đáng và bức thiết đối với những người dân sống ở đô thị. Việc quy hoạch phải được quản lý nghiêm ngặt, chứ không thể du di hay quá linh hoạt làm phá vỡ quy hoạch. Vấn đề này cần làm nhưng cách tổ chức cũng rất quan trọng".

Hiện tại, hiểm họa tai nạn đối với người đi bộ tại TPHCM vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Và tình hình sẽ khó bề cải thiện khi công tác quản lý nhà nước còn chồng chéo. Cụ thể là việc cấp giấy phép kinh doanh là của chính quyền, xem xét điều kiện để phương tiện đi lại và quản lý đường sá lại thuộc về ngành công an hay giao thông vận tải, còn xử phạt vi phạm hành lang đi bộ do Sở Xây dựng thực hiện.

Do đó, ông Nguyễn Ngọc Tường – Phó Ban An toàn giao thông thành phố cho rằng: "Trách nhiệm trước mắt thuộc về người đứng đầu ở các địa phương, đặc biệt là chủ tịch các quận-huyện, chủ tịch các phường. Họ phải trực tiếp, tăng cường kiểm tra và bố trí sắp xếp lại trật tự ở khu vực, địa bàn của mình. Không thể để tình trạng mua bán lấn chiếm tràn lan, gây cản trở giao thông!".

Từ thực trạng trên, cho nên nhu cầu cải thiện về tình trạng trật tự an toàn giao thông mà mục tiêu hướng đến hàng đầu là dành thuận lợi cho người đi bộ đã trở thành vấn đề cấp thiết.