Tiêu điểm: Nhân Humanity

Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Cần bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề

(VOH) – Một nội dung trong dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) thảo luận chiều 6/1 được nhiều đại biểu quan tâm là về đánh giá năng lực hành nghề.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình quan tâm đến vai trò của Hội đồng Y khoa quốc gia trong việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề.

Hội đồng Y khoa quốc gia đã được Thủ tướng thành lập từ năm 2020 và đang hoạt động với nhiệm vụ chuẩn bị các nội dung phục vụ cho tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề.

Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng, cho thấy các nhiệm vụ của Hội đồng là rất quan trọng, mang tính chuyên môn sâu như xây dựng và ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, chủ trì tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề…

Do đó, cần quy định ngay trong luật những tiêu chí, tiêu chuẩn để tuyển chọn thành viên Hội đồng Y khoa quốc gia đảm bảo đáp ứng trình độ chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ luật giao, nhất là trong việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề.

Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Cần bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề 1
Phiên thảo luận chiều 6/1. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Đại biểu Lê Văn Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cùng quan điểm về việc nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hội đồng Y khoa quốc gia.

Đây là nơi tập hợp điều phối các chuyên gia, các giảng viên, các trường đại học, các hội nghề nghiệp, cũng như các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng các bộ công cụ để đánh giá năng lực hành nghề.

Đại biểu Lê Văn Cường cho biết, hiện nay có khoảng 182 trường khối ngành sức khỏe, trong đó 90 trường công lập, 92 trường ngoài công lập, các trường này khác nhau về tầm nhìn, mục tiêu, điểm đầu vào, về giáo trình, giảng viên cơ sở thực hành… Vì vậy, cần có bộ công cụ để chuẩn hóa sau khi tốt nghiệp.

Đại biểu cũng đề nghị cần phải đảm bảo tiếp cận bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề đối với người học, tránh hiện tượng đến kỳ thi học cấp tốc, lúc đó chỉ là trí nhớ ngắn hạn. Về lộ trình, trước mắt thực hiện đến chỉ nên tập trung vào đối tượng bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh trong bối cảnh điều kiện nguồn lực còn hạn chế.

Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam chỉ rõ băn khoăn đối với quy định kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề và thời hạn của giấy phép hành nghề.

Đại biểu đề nghị Bộ Y tế cần tập trung quản lý chặt chẽ, có lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, đảm bảo đánh giá khách quan, năng lực hành nghề, thực hiện cấp phép hành nghề đúng quy định, áp dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí và không gây khó khăn, trở ngại cho người xin được công nhận năng lực hành nghề, cấp phép hành nghề.

Bình luận