
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong hai ngày 8 và 9/4, miền Đông Nam Bộ tiếp tục có nắng nóng diện rộng. Nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-36 độ C, có nơi vượt ngưỡng 36 độ như: Phước Long (Bình Phước) đạt 36,6 độ, Biên Hòa (Đồng Nai) 36,7 độ, Thủ Dầu Một (Bình Dương) 36,4 độ. Độ ẩm không khí giảm thấp, chỉ còn 40-45%, làm tăng cảm giác hanh khô và khó chịu.
Thực tế, nhiệt độ ngoài trời tại các đô thị lớn như TP.HCM, Biên Hòa, Thủ Dầu Một… có thể cao hơn dự báo từ 2 đến 4 độ, đặc biệt tại các khu vực có mặt đệm bê tông, đường nhựa. Điều đó đồng nghĩa, người dân có thể đang đối mặt với mức nhiệt lên tới gần 40 độ C vào giữa trưa.
Cảnh báo rủi ro thiên tai do nắng nóng được xác định ở cấp 1, tuy nhiên các hệ lụy từ nền nhiệt cao vẫn rất đáng lo ngại. Cơ quan khí tượng cảnh báo về nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn ở khu dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh, cùng với nguy cơ cháy rừng tại những khu vực khô hạn kéo dài.
Ngoài tác động đến môi trường, nắng nóng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Người lao động ngoài trời có thể đối mặt với tình trạng kiệt sức, mất nước, thậm chí đột quỵ do sốc nhiệt nếu không có biện pháp bảo hộ và nghỉ ngơi hợp lý.
Tuy nhiên, trong bối cảnh oi bức đang lên đỉnh điểm, một tín hiệu tích cực đã được đưa ra từ Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ. Theo đó, nắng nóng sẽ duy trì đến khoảng ngày 10-4, sau đó, một đợt mưa trái mùa sẽ xuất hiện và kéo dài khoảng 3 ngày. Mưa có thể xảy ra trên diện rộng tại tất cả các quận, huyện của TP.HCM và nhiều tỉnh Nam Bộ, giúp giảm nhiệt rõ rệt.
Dự báo cho thấy, sau khi có mưa, nhiệt độ cao nhất ở TP.HCM sẽ giảm xuống mức 32-34 độ C, mang lại sự dễ chịu hơn cho người dân. Nguyên nhân của đợt mưa trái mùa này được lý giải là do rãnh áp thấp có xu hướng hoạt động mạnh lên, tác động đến thời tiết khu vực phía Nam.
Dù mưa có thể giúp giải nhiệt tạm thời, các chuyên gia khí tượng vẫn khuyến cáo người dân tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết, đồng thời chủ động bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là người già, trẻ em và người có bệnh lý nền. Hạn chế ra đường vào khung giờ nắng gắt, bổ sung nước đầy đủ và mặc đồ chống nắng là các biện pháp cơ bản nhưng rất cần thiết trong giai đoạn này.
Tình trạng nắng nóng kéo dài ở Nam Bộ được đánh giá là điển hình của thời kỳ chuyển mùa, dự kiến sẽ còn lặp lại trong tháng 4. Do đó, việc chuẩn bị ứng phó kịp thời với thời tiết cực đoan là điều người dân cần quan tâm ngay từ bây giờ.