Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ngày 12/11: Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực y tế, thông tin và truyền thông

VOH - Phiên họp ngày 12/11 được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Ngày 12/11/2024, Quốc hội dành cả ngày làm việc ở hội trường tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực y tế; chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

quoc-hoi-121124
Ngày 12/11, Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực y tế, thông tin và truyền thông - Ảnh: QH

Trước đó, vào ngày 11/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ mười tám (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, bắt đầu tiến hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội dưới sự chủ trì điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Buổi sáng, Quốc hội tiến hành chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng về nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng. 

Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi tập trung về những nội dung: điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động; công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19 và thiên tai.

Buổi chiều, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc nêu rõ: Tại phiên chất vấn có 43 đại biểu Quốc hội chất vấn, 01 đại biểu Quốc hội tranh luận. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn. Câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung chất vấn, cụ thể, rõ ràng.

Qua phiên chất vấn, đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, có các giải pháp hiệu quả để khắc phục, tập trung vào các vấn đề trọng tâm: Tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ kịp thời, hiệu quả, chủ động, linh hoạt, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. 

Triển khai các giải pháp quản lý nhằm ổn định thị trường vàng; nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định; không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nghiên cứu biện pháp khuyến khích người dân bán vàng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Trong năm 2025, tiến hành tổng kết Nghị định 24 ngày 03/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn. 

Sớm có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay, hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng ổn định sản xuất, kinh doanh sau bão, lũ, sạt lở đất; thúc đẩy tín dụng xanh. Phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai thuận lợi các chương trình tín dụng ưu đãi.

Chiều 11/11, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực y tế. Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi tập trung về những nội dung: Việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; Việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; Thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.

Bình luận