Sáng 17/10, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 của Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đã làm việc với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TPHCM và Đồng Nai có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình cả nước (47,29%), tính đến hết tháng 9/2024. 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước là Bà Rịa-Vũng Tàu (93,75%), Tây Ninh (56,87%), Bình Dương (49,95%).
Báo cáo tổng hợp tình hình giải ngân của các địa phương của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có 23 khó khăn, vướng mắc chia làm 5 nhóm nội dung về: Quy định của pháp luật đầu tư công; công tác chuẩn bị đầu tư; khó khăn vướng mắc trong thực hiện dự án (gồm điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng, tái định cư, nguồn vật liệu xây dựng…); vướng mắc khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các vướng mắc khác.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận cố gắng của các địa phương, đồng thời chia sẻ với những khó khăn mà các địa phương gặp phải - cũng là khó khăn chung của các địa phương trên cả nước.
Đó là khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật, về giải phóng mặt bằng; việc tổ chức thực hiện chưa tốt nên kéo dài thời gian thực hiện dự án, vấn đề về thủ tục thanh toán, khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, điều chỉnh quy hoạch…
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, tỷ lệ giải ngân của các địa phương vùng Đông Nam Bộ (thuộc diện kiểm tra, đôn đốc của Tổ công tác số 3) còn thấp, tính chung mới đạt 35,46%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước (47,29%). Do đó, các địa phương phải quyết tâm hơn, bám sát các giải pháp để triển khai tốt hơn.
Về việc giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng lưu ý, cần tăng cường công tác phối hợp, năng lực điều phối cũng như trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cũng như tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện những quyền được phân cấp.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, phân loại các khó khăn, vướng mắc để xem những gì thuộc thẩm quyền của bộ, ngành có thể xử lý được ngay, những vấn đề gì vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xin chủ trương của cấp có thẩm quyền để xử lý một số dự án tồn đọng có tính chất đặc thù; rà soát các dự án nếu đủ thủ tục, bảo đảm tính khả thi nhưng thiếu vốn thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định...
Nói về nguyên nhân chậm giải ngân, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, do đặc thù của Thành phố có nguồn vốn lớn và chậm bố trí nguồn vốn trong trung hạn nên công tác chuẩn bị đầu tư chậm.
Hiện TPHCM còn 63.000 tỷ đồng vốn đầu tư cần giải ngân từ nay đến cuối năm, trong đó nằm ở khâu giải phóng mặt bằng khoảng 30.000 tỷ đồng.
Nêu các giải pháp để giải ngân gần 63.000 tỷ đồng còn lại, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, Thành phố đã chia thành các nhóm để giải quyết. Trong đó, với nhóm dành cho giải phóng mặt bằng khoảng 30.000 tỷ đồng, qua rà soát, khả năng Thành phố sẽ giải ngân được trên 28.000 tỷ đồng, nằm ở 3 dự án lớn là dự án rạch Xuyên Tâm với 13.245 tỷ đồng, dự án Bờ Bắc-kênh Đôi với 5.465 tỷ đồng và dự án đường Vành đai 2 là 7.567 tỷ đồng.