Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về điều chỉnh Quy hoạch điện VIII chiều 23/2, ông Phạm Đức Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết giai đoạn 2025-2030 tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng hai chữ số. Tuy nhiên, dư địa phát triển với một tỉnh miền núi như Điện Biên rất khó khăn.
Ông Toàn cho rằng, Điện Biên có cơ hội thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và hiện nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước muốn nghiên cứu các dự án nguồn điện này trên địa bàn.
Lãnh đạo Điện Biên đề xuất Chính phủ, Bộ Công Thương rà soát quy hoạch, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời tại các địa phương khó khăn, tạo điều kiện để họ thu hút nguồn lực đầu tư, thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Chính phủ xem xét cho UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình năng lượng có phạm vi trên địa bàn hành chính cấp tỉnh. Với các dự án liên quan đến 2 địa phương cần phân cấp tỉnh phê duyệt nhằm tạo tính chủ động, rút ngắn thời gian thực hiện.
Ông Huỳnh Chí Nguyện, phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đề xuất điều chỉnh 1.000MW điện gió và 500MW điện mặt trời thay cho công suất phân bổ hiện tại vì tỉnh có tiềm năng hơn 8.000MW điện gió và 6.000MW điện mặt trời.
Ông Lâm Văn Bi, phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết có nhiều dự án chậm tiến độ, như dự án LNG Cà Mau. Vì vậy tỉnh đề xuất đưa vào Quy hoạch điện 8 để mở rộng dự án. Về liên kết điện cần có hệ thống truyền tải điện một chiều siêu cao áp sang Malaysia, Singapore để xuất khẩu điện.

Phản hồi trước kiến nghị của các địa phương, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên hứa tiếp thu, hoàn thiện đề án và báo cáo Thường trực Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay trong Luật Điện lực (sửa đổi) đã có quy định rất rõ sẽ có chế tài xử lý nghiêm, phạt về tài chính nếu chậm tiến độ. Đất nước không thể ngồi chờ một vài nhà đầu tư được.
Với đường truyền tải, cần lưu ý việc không thể truyền tải trên mặt nước được mà phải truyền tải dưới đáy đại dương. Vì vậy ai sẽ đầu tư khi người mua điện thì không đủ năng lực, còn người bán điện thì cũng không dễ hạch toán và thu hồi vốn với dự án có chu kỳ 14-20 năm.
Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng yêu cầu sớm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch điện 8, trình trước thời hạn, tốt nhất trong ngày 25/2. Trong đó cần lưu ý xây dựng danh mục các công trình điện lực khẩn cấp để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc điều chình quy hoạch cần đảm bảo nguyên tắc là có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả bền vững, khai thác hết tiềm năng của các địa phương nhưng phải đảm bảo sự tối ưu, bảo vệ môi trường. Đặt tổng thể lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, đó là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia với chi phí hợp lý nhất.
Các phương án cần có tính khả thi nhất, đảm bảo giải quyết tình huống thiếu nguồn điện từ nay đến năm 2030, trực tiếp là giai đoạn 2026-2028.
Ông Sơn lưu ý cần giải trình làm rõ thêm về tính kế thừa của quy hoạch điện, điện gió ngoài khơi, số dự án điện mặt trời tập trung, áp mái tăng cao. Ưu tiên phát triển cụm nhiệt điện LNG công suất lớn, hệ thống pin lưu trữ, chấm dứt dự án điện than chậm tiến độ, phát triển lưới điện và nhập khẩu điện.
Ngoài ra các địa phương cần có trách nhiệm đảm bảo tính khả thi khi thực hiện. Bao gồm việc rà soát để tham gia xây dựng kế hoạch, triển khai dự án, hỗ trợ chủ đầu tư với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Ông cũng cho rằng nhà điều hành cũng phải có lộ trình phù hợp đi đôi với bảo vệ tài nguyên môi trường, chuyển đổi mô hình kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia với chi phí hợp lý nhất.