Tiêu điểm: Nhân Humanity

Phòng chống oan sai, không bỏ sót tội phạm

(VOH) - Sau buổi tiếp xúc với cử tri quận 4, sáng 3/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cùng các Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Trần Du Lịch, Hoàng Hữu Phước tiếp tục gặp gỡ, tiếp xúc với các cử tri quận 1, TP.HCM.

Phòng chống oan sai, không bỏ sót tội phạm 1

Chủ tịch Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1 (ảnh: Lệ Loan)

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đề cập đến vấn đề án oan sai, xử không đúng người đúng tội, chất lượng bệnh viện tuyến dưới không đạt nên người dân phải vượt tuyến trên, vấn đề về sức khỏe, cải tạo giống nòi của dân tộc. Theo cử tri Nguyễn Thị Nguyệt (phường Cô Giang) thì ở Đức, người ta coi thể dục thể thao quan trọng như những môn học chính, tại sao chúng ta không chú trọng môn học này nhằm tăng cường sức khỏe, phòng bệnh cho học sinh mà chỉ chú trọng đến việc chữa bệnh ? Phải xác định rằng có sức khỏe thì sẽ không tiêu tốn chi phí cho việc chữa bệnh. Cử tri đề nghị những người có trách nhiệm cần chú trọng chăm sóc sức khỏe, thể trạng, chiều cao của người dân.

Phòng chống oan sai, không bỏ sót tội phạm 2

Cử tri quận 1 phản ánh tại buổi tiếp xúc (ảnh: Lệ Loan)

Liên quan đến công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội, cử tri đề nghị nên tăng cường những Đảng viên, cán bộ hưu trí hoặc dân thường nhưng có sức khỏe, có thời gian, trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức vào vị trí đại biểu Quốc hội để tăng cường giám sát, gặp gỡ cử tri; không nên để cán bộ đương nhiệm kiêm nhiệm quá nhiều. Cử tri Trần Trọng Lan (phường Nguyễn Cư Trinh) cho rằng, việc triển khai vốn vay cho ngư dân đóng tàu còn chậm, đề nghị cần xem xét việc ban hành cơ chế phối hợp giữa ngân hàng, chính quyền địa phương với Hiệp hội Biển để ngư dân được sớm vay gói hỗ trợ này.

Đối với vấn đề tham nhũng, cử tri Hoàng Thị Lợi (phường Bến Nghé) cho rằng, vụ việc ông Trần Văn Truyền cũng chỉ là “tảng băng chìm” trong số những vụ việc tham nhũng ở nước ta nhưng chưa bị phát hiện. Đề cập vấn đề này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, Đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục phản ảnh, kiểm tra, giám sát, đôn đốc để sớm thể chế hóa nguyện vọng của cử tri. Tuy nhiên, cũng rất cần cử tri phát hiện, phản ảnh các vụ việc tiêu cực với báo chí. Chủ tịch nước khẳng định: báo chí là một kênh thông tin quan trọng, chống lại những sai trái tiêu cực. Trong các văn kiện của Đảng đều đề cao vai trò của các phương tiện truyền thông. Đây là báo chí cách mạng, đối với những vụ việc báo chí phản ánh đúng, các cơ quan chức năng cũng sử dụng rất nhiều, từ đó làm rõ những vấn đề công luận đặt ra và đi đến xử lý. 

Riêng vấn đề trên 1.000 trường hợp kê khai tài sản mà cơ quan chức năng chỉ phát hiện vài trường hợp kê khai không đúng thực tế mà cử tri phản ánh, Chủ tịch nước nhìn nhận đây là dấu hỏi đang được cử tri đặt ra với Quốc hội. Phải làm sao để chủ trương này có giá trị thực tế, mang lại niềm tin trong nhân dân vào Đảng, Nhà nước và các cơ quan công quyền. Đối với chủ trương nhà công vụ, Chủ tịch nước cho rằng chủ trương là đúng đắn và cần thiết để áp dụng cho những cán bộ luân chuyển đến nơi mới trong thời gian làm nhiệm vụ tại địa phương. Đáng trách là các cơ quan quản lý cán bộ còn lỏng lẻo, không có quyết định kịp thời thu hồi nhà khi cán bộ có quyết định nghỉ hưu hoặc không còn làm việc nơi đó nữa.

Đối với ý kiến việc xét xử có đến 90% án oan sai mà cử tri đề cập, Chủ tịch nước khẳng định con số này không đúng, chỉ có một vài trường hợp cụ thể có vấn đề. Chủ tịch nhấn mạnh: Cần chú ý phòng chống oan sai, bỏ sót tội phạm. Đây là cũng là loại “chạy” ghê gớm: “8 năm cải cách ngành Tư pháp, việc xét xử khác hơn xưa, giờ công khai dân chủ, minh bạch, tranh biện trước khi có những phán quyết và người phán quyết phải chịu trách nhiệm trước HĐND địa phương, trước Quốc hội và nhân dân. Chứng cứ do kết quả tranh tụng trước phiên tòa. Tới đây sẽ có định chế Luật sư công để bảo vệ những người nghèo. Các cơ quan chức năng, viện sát, thẩm phán làm sai cũng sẽ bị khởi tố. Không được để sót tội phạm và không được oan sai, đúng khung hình phạt theo Luật định”.

Bình luận