Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, kỳ họp lần này dự kiến sẽ xem xét 7 nội dung cấp thiết, bao gồm 3 luật và 4 dự thảo nghị quyết. Các luật được đưa vào chương trình gồm: luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật liên quan đến hoạt động của Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét thông qua các nghị quyết liên quan đến việc thành lập một số bộ trong Chính phủ khóa XV, cơ cấu và số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI, cũng như các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.
Một số nội dung khác do Chính phủ đề xuất cũng sẽ được xem xét, bao gồm: dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cùng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Kỳ họp dự kiến diễn ra trong 4,5 ngày, chia làm hai đợt để các cơ quan có đủ thời gian tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua. Trong trường hợp bổ sung thêm các dự án lớn như tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, thời gian họp có thể kéo dài thêm 2 ngày. Kỳ họp dự kiến khai mạc ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và bế mạc vào cuối tháng 2-2025.
Phát biểu tại phiên họp 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 7/1, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của kỳ họp bất thường lần thứ 9. Ông đề nghị các cơ quan liên quan tập trung cao độ để chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng cho kỳ họp.
"Thời gian không còn nhiều, nhất là khi sắp đến dịp Tết Nguyên đán. Các nội dung cần được làm rõ và hoàn thiện ngay, kể cả làm việc ngoài giờ, bao gồm cả thứ bảy và chủ nhật," ông nói.
Đồng thời, ông lưu ý các cơ quan phải khẩn trương hoàn tất hồ sơ và tài liệu để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi gửi đến các đại biểu Quốc hội.