Tiêu điểm: Nhân Humanity

Quốc hội thảo luận về ngân sách và kế hoạch tài chính

(VOH) - Sáng 29/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018...

Sáng 29/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước quốc gia 3 năm 2019-2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017. Quốc hội cũng thảo luận về đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Quốc hội thảo luận về ngân sách và kế hoạch tài chính

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, đoàn Đăk Nông. Ảnh: Zing

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Trường Giang – đoàn Đắk Nông tán thành đánh giá liên quan đến đầu tư công 3 năm qua. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cân đối ngân sách Trung ương còn khó khăn, tỷ lệ bội chi ngân sách còn ở mức cao. Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng, báo cáo về khả năng cân đối nguồn vốn, sau đó mới đảm bảo tổng mức đầu tư công trung hạn không vượt kế hoạch 20.000 tỷ đồng. Những công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ khả năng thiếu vốn là khá rõ ràng, khi không phát hành được 60.000 tỷ đồng trái phiếu, mà vay nước ngoài phải có công trình và kế hoạch cụ thể. Hơn nữa, thời gian đầu tư công trung hạn còn hơn 2 năm, có thể có những vấn đề cấp bách, bất khả kháng phát sinh, nên cần có phần dành lại.

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến - đoàn Đà Nẵng, bày tỏ quan ngại về việc chi ngân sách Nhà nước đối với y tế chưa đảm bảo tinh thần ưu tiên. Còn một tỷ lệ lớn người dân chưa tham gia bảo hiểm, 13%, kiểm soát bội chi khiến BHYT không bảo đảm nhiều việc. Tuy nhiên, theo chuẩn của y tế thế giới thì tỷ lệ người bệnh chia sẻ phần chi phí y tế phải dưới 30% mới đảm bảo, trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam là 43%. Trong khi đó, có đến 17% dân số có các bệnh cần quản lý, điều trị lâu dài.

Liên quan đến những bất cập trong thực hiện các dự án BT (xây dựng – chuyển giao), đại biểu Trần Đăng Ninh  - đoàn Hòa Bình, cho rằng về các dự án BT, vướng mắc hiện nay là dừng thanh toán quỹ đất khi có hướng dẫn mới.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai  - đoàn Hà Nội, cũng nêu thực tế hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết về đầu tư công trung hạn với tổng mức đầu tư 2 triệu tỷ đồng cho hơn 9.600 dự án.  Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương, các dự án thực hiện còn nhiều dang dở do thiếu vốn đầu tư. Đại biểu cũng nêu kinh nghiệm của các nước chỉ tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, chứ không phải mỗi tỉnh có một dự án như ở Việt Nam.

Bình luận