Đăng nhập

Quy định mới về tuyển dụng, thôi việc với công chức

00:00
02:55
02:55
VOH - Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), quy định rõ việc tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm.

Trong dự thảo tờ trình dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ dẫn Luật Cán bộ, công chức hiện hành quy định nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế; việc sử dụng, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức phải dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực thi hành công vụ là chưa hoàn toàn theo vị trí việc làm.

Tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Nội vụ đã đề xuất:

Việc tuyển dụng công chức phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật, bảo đảm tính cạnh tranh.

Đồng thời tuyển chọn theo yêu cầu của vị trí việc làm, ưu tiên tuyển chọn người có tài năng, người có công với nước, người dân tộc thiểu số.

Việc tuyển dụng công chức phải căn cứ vào yêu cầu vị trí việc làm và số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Dự thảo cũng quy định các điều kiện để đăng ký dự tuyển công chức gồm có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, đủ 18 tuổi trở lên, có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng, có văn bằng, chứng chỉ phù hợp, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt.

Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ, các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.

282tra-9-5928-2542Xem toàn màn hình
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: QH

Bộ Nội vụ cũng dự thảo phương thức tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm (Điều 23).

Việc tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển. Hình thức, nội dung thi tuyển, xét tuyển công chức phải phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm trong từng ngành, nghề, bảo đảm lựa chọn được người có phẩm chất, trình độ và năng lực.

Đối tượng xét tuyển là những người làm việc tại các cơ quan trong hệ thống chính trị mà không phải là công chức; các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng, sinh viên xuất sắc, người dân tộc thiểu số, đối tượng cử tuyển và các đối tượng khác ở khu vực ngoài Nhà nước.

Ngoài các phương thức tuyển dụng trên, cơ quan có thẩm quyền quản lý thực hiện hoặc phân cấp, ủy quyền việc ký kết hợp thực hiện một số công việc của vị trí việc làm công chức.

Cơ quan soạn thảo cũng bổ sung quy định phân định các vị trí việc làm phải thực hiện tuyển dụng và các vị trí việc làm có thể được phép ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức, tạo sự linh hoạt trong sử dụng nguồn nhân lực từ bên ngoài.

Cũng theo dự thảo, người được tuyển dụng vào công chức phải thực hiện chế độ tập sự theo quy định của Chính phủ.

Dự thảo cũng dành một điều quy định về thôi việc với công chức. Theo dự thảo, công chức được hưởng chế độ thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp gồm sắp xếp tổ chức; theo nguyện vọng và được cấp có thẩm quyền đồng ý...

Công chức xin thôi việc theo nguyện vọng thì phải làm đơn và được cấp có thẩm quyền đồng ý.

Trường hợp chưa được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý mà tự ý bỏ việc thì không được hưởng chế độ thôi việc và phải bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.

Không giải quyết thôi việc đối với công chức đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Không giải quyết thôi việc đối với công chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp xin thôi việc theo nguyện vọng.

Bình luận