Đăng nhập

Quy hoạch cần mang tính định hướng

(VOH) - Tình trạng lập quy hoạch quá nhiều nhưng không hiệu quả gây lãng phí nguồn lực đang diễn ra ở các bộ, ngành, địa phương và ngày càng có xu hướng gia tăng.

Thời kỳ 2001-2010, số quy hoạch được lập trên 3.000 thì đến giai đoạn 2011-2020, số quy hoạch phải lập là trên 19.000 bản quy hoạch các loại, tăng gấp 6 lần. Nhiều quy hoạch vùng lập không rõ đối tượng quản lý, không quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện nên không thể triển khai được… Đây là những bất cập được nêu ra tại hội thảo góp ý dự án Luật Quy hoạch vào chiều 10/10 do Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức.

Không nhất thiết phải lập lại quy hoạch tràn lan

Trong khi đó, quy hoạch chủ yếu đưa ra các chỉ tiêu phát triển chung chung, thiếu tổ chức không gian phát triển hợp lý, khoa học. Hầu hết quy hoạch được lập không phù hợp với thực tiễn, không gắn với nguồn lực thực hiện.

Các dự án ưu tiên đầu tư trong quy hoạch quá lớn, không phù hợp với khả năng huy động nên kết quả rất hạn chế. Từ những bất hợp lý này, Tiến sĩ Nguyễn Thiềm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị TPHCM đề nghị “Phải rất khắt khe trong điều chỉnh quy hoạch. Chúng ta đã lập vùng kinh tế trọng điểm quốc gia. Ngành xây dựng cũng lập hệ thống quy hoạch quốc gia nông thôn.

Bây giờ chỉ cần điều chỉnh, bổ sung một số khu vực, không nhất thiết phải lập lại quy hoạch. Ví dụ, phát sinh ra một mỏ lớn, khai thác ảnh hưởng cả vùng rộng lớn đất ở đâu đó chẳng hạn, có thể điều chỉnh lại cục bộ khu vực đó thôi, không cần thiết phải lập ra một quy hoạch hoành tráng, báo cáo này, báo cáo kia, không cần thiết”.

Cần sớm ban hành luật quy hoạch giải quyết các vấn đề thực tiễn

Tiến sĩ Trần Du Lịch - nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng, cần sớm ban hành Luật Quy hoạch nhưng phải hoàn thiện theo hướng giải quyết được các vấn đề thực tiễn đặt ra, xác định rõ trong Luật những loại quy hoạch nào mang tính định hướng, loại quy hoạch nào mang tính pháp lệnh.

img thumbXem toàn màn hình

Tiến sĩ Trần Du Lịch góp ý Dự thảo Luật Quy hoạch chiều 10/10 tại TPHCM. Ảnh: Lệ Loan

Dẫn chứng vùng kinh tế của đất nước ta quá rộng, ví dụ vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Miền Trung, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có gần 14 tỉnh, thành thì không thể có quy hoạch “cứng” mà chỉ nên quy hoạch định hướng cho địa phương trong từng vùng. Trong khi đó, ngoài 6 vùng kinh tế trên, còn có 4 vùng kinh tế trọng điểm (phía Bắc, miền Trung, phía Nam và ĐBSCL) cần có quy hoạch vùng, nhưng hiện nay, những nơi này lại đang làm một cách tự phát.

“Hiện nay, chủ trương Đại hội 12 và Hiến pháp 2013 là liên kết phát triển vùng, nhưng theo tôi, những vùng kinh tế trọng điểm mới cần tuân thủ làm quy hoạch, bởi đây là vùng trọng điểm, gắn kết phần nào cứng, phần nào mềm lại với nhau. Chúng ta quy hoạch các vùng kinh tế rộng lớn, tôi thấy không ổn” - Tiến sĩ Trần Du Lịch phân tích.

Bình luận