Tiêu điểm: Nhân Humanity

Quy hoạch phát triển Hà Nội là trung tâm động lực vùng Đồng bằng sông Hồng

HÀ NỘI - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quyết định, diện tích tự nhiên của Hà Nội được quy hoạch là 3.359,84km2, với mục tiêu xây dựng một Thủ đô không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa, mà còn là động lực phát triển của cả nước.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập với "tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội," tạo ra những "cơ hội mới - giá trị mới" để phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" trong ngắn hạn và dài hạn, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Một trong những điểm nổi bật trong Quy hoạch là xác định Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng.

Quy hoạch này không chỉ dựa vào thế mạnh hiện tại của Hà Nội mà còn khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô theo hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại,” trở thành một thành phố xanh, thông minh và có chất lượng sống cao, ngang tầm với các Thủ đô phát triển trong khu vực và thế giới.

Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình kết cấu không gian hợp lý, với các hành lang kinh tế, vành đai kinh tế, các trục phát triển kết hợp với hệ thống giao thông hiện đại và đồng bộ.

Quy hoạch đề xuất phát triển các mô hình đô thị mới như đô thị thông minh, đô thị khoa học công nghệ, đô thị sân bay, đô thị du lịch... nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.

88-173408299021826941311
Quy hoạch phát triển Hà Nội là trung tâm động lực vùng Đồng bằng sông Hồng

Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ là một Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại," hội tụ tinh hoa văn hóa, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm các Thủ đô của các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Hà Nội sẽ là cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng, là trung tâm kinh tế, tài chính lớn; trung tâm giáo dục, y tế, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.

Tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội là thành phố toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng, xứng tầm đại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới; là nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến. Người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.

GRDP bình quân đầu người khoảng 45.000-46.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80-85%.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định năm nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: bảo vệ môi trường và cảnh quan; phát triển đô thị và nông thôn; phát triển kinh tế; phát triển văn hóa-xã hội và phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Để đảm bảo triển khai Quy hoạch hiệu quả, Hà Nội sẽ áp dụng các giải pháp như huy động và sử dụng vốn đầu tư hợp lý, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ, và cơ chế chính sách liên kết phát triển.

Quy hoạch cũng đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường, cải tạo đô thị, phát triển nông thôn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một căn cứ quan trọng để triển khai các kế hoạch phát triển đô thị, nông thôn và các ngành nghề khác tại Hà Nội.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành, với kỳ vọng tạo ra những thay đổi sâu rộng, đưa Hà Nội trở thành một thành phố đáng sống, sáng tạo và phát triển bền vững trong tương lai.

Bình luận