Tiêu điểm: Nhân Humanity

Sạt lở đất ở Đà Lạt: Chuyên gia kiến nghị lập bản đồ theo dõi nguy cơ

VOH - Chuyên gia Nhật Bản sau khi khảo sát đã đề nghị chính quyền địa phương lập bản đồ cảnh báo.

Đề nghị đưa ra tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt với đoàn chuyên gia Nhật Bản thuộc Công ty cổ phần địa chất Kawasaki, ngày 19/7. Đây là đơn vị được tỉnh mời để hỗ trợ các giải pháp sau khi địa phương liên tục xảy ra sạt lở gây chết người, làm hư hại nhiều nhà dân.

Đoàn gồm các ông Takami Kanno, Numakunai Makoto và Kumagai Yuga.

Sau buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Phúc, phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết sẽ nghiên cứu đề xuất thiết lập bản đồ cảnh báo nguy hiểm với những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, trước mắt có thể thực hiện trên địa bàn TP Đà Lạt.

Sạt lở đất ở Đà Lạt: Chuyên gia kiến nghị lập bản đồ theo dõi nguy cơ 1
Các chuyên gia khảo sát vị trí sạt lở ở hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám, TP Đà Lạt - Nguồn: TPO

Khảo sát hiện trường vụ lở đất khuya 29/6 khiến 2 người tử vong và 5 người bị thương tại hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám, chuyên gia Takami Kanno thông tin vị trí sạt lở thuộc khu vực đất bồi trên cao.

Qua quan sát hình ảnh vệ tinh, vào các năm 2010 và tháng 4/2015, khu vực này đã xảy ra sạt lở nhỏ; đến tháng 4/2022 có công trình đắp đất xây dựng. Diện tích sạt lở đất, gãy ta luy hoàn toàn là đất đắp thêm để cải tạo mặt bằng.

Theo tính toán sơ bộ của chuyên gia Nhật Bản, lượng nước mưa tích lũy nhiều và vật liệu xây dựng ta luy không đảm bảo khiến khoảng 20.000m3 đất đá chảy xuống dẫn tới sạt lở.

Chuyên gia Takami dẫn vụ việc tương tự xảy ra ở Nhật Bản năm 2011 tại một bãi đất trống ở thành phố Atami (tỉnh Shizuoka). Qua hình ảnh vệ tinh, vào các năm 2017 và 2020, khu đất được bồi đắp thêm để vững chãi hơn. Đến tháng 7/2021, đất bồi đắp chảy tràn xuống khu dân cư đã gây thiệt hại lớn.

Sau vụ sạt lở, vào tháng 5/2023, Nhật Bản đã ban hành quy định về các nội dung quản lý cấp phép, giám sát các công trình đắp đất bồi; tiêu chuẩn an toàn về phòng chống sạt lở đất; thiết bị, hệ thống thoát nước, kỹ thuật đắp đất bồi…

Các chuyên gia nói trước mắt, cần xử lý đất trên đỉnh đồi để tránh tiếp tục sạt lở; phía dưới cần làm bờ chắn để ngăn đất chảy xuống, đồng thời lập rãnh thoát nước cho khu vực này.

Ngoài ra, chuyên gia nhận định những khu dân cư ở Đà Lạt ở trên những vùng đất cao, phải bồi đắp để xây dựng nên tiềm ẩn nhiều rủi ro xảy ra sạt lở. Chính quyền nên thiết lập bản đồ để dễ dàng phát hiện khu vực có khả năng sạt lở.

Bình luận