Tiêu điểm: Nhân Humanity

Sớm hoàn thiện dự thảo về quản lý trang thiết bị y tế để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư

(VOH) - Chính phủ xác định, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được khắc phục triệt để ở một số bệnh viện là một trong 10 khó khăn, thách thức phải xử lý.

Sáng ngày 3/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, theo Thủ tướng cần “sớm hoàn thiện dự thảo về quản lý trang thiết bị y tế”.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan tập trung xử lý triệt để, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, bảo đảm yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. 

Đồng thời cần sớm hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung nghị định số 98 về quản lý trang thiết bị y tế.

Sớm hoàn thiện dự thảo về quản lý trang thiết bị y tế để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ (Ảnh: VGP)

Đọc thêm: TPHCM tìm giải pháp xử lý thuốc, vật tư y tế phòng, chống Covid-19 tồn kho

Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận những thách thức đang phải đối mặt như tình hình ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, sức ép lạm phát còn cao, tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ, rủi ro nợ xấu gia tăng; các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, đơn hàng, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng…

Thủ tướng yêu cầu bộ ngành và địa phương cần tập trung cho công tác quy hoạch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân…

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; giảm mặt bằng lãi suất một cách thực chất, tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và các lĩnh vực ưu tiên.

Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu chi, triển khai thu thuế với dịch vụ ăn uống và các cửa hàng bán lẻ. Khẩn trương trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023, vốn chương trình phục hồi và phát triển; nghiên cứu điều chuyển vốn của gói hỗ trợ lãi suất 2% cho phù hợp; đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ Xây dựng hoàn thiện nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; tinh thần tất cả các chủ thể đều phải có trách nhiệm, không ai đổ lỗi cho ai, không một mình ai làm được; điều hành không tạo sự thay đổi đột ngột, giật cục; thúc đẩy chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở công nhân, nhà ở xã hội…

Bình luận